Bà bầu bị chuột rút, phù chân cần gặp bác sĩ

Rate this post

Hầu hết thai phụ đều gặp tình trạng chuột rút cơ bắp chân, phù chân trong thai kỳ. Theo BS CKII Vũ Ðăng Khoa, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, đa số trường hợp là hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên, số ít có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

BS CKII Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Sản bệnh, BV Phụ sản TP Cần Thơ tư vấn cho thai phụ các biện pháp giảm nguy cơ phù chân, chuột rút trong thai kỳ. Ảnh: BV cung cấp

Chuột rút trong thai kỳ

BS Vũ Ðăng Khoa cho biết, khoảng 75% thai phụ gặp phải tình trạng chuột rút và phù chân trong thai kỳ. Chuột rút, còn gọi là vọp bẻ, là tình trạng co cứng cơ, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể như lưng, hông, đùi; tuy nhiên, thường gặp nhất ở bắp chân. Các cơn co rút bắt đầu xuất hiện vào tháng thứ 3 của thai kỳ, tần suất nhiều nhất ở 3 tháng cuối, vào ban đêm hay sáng sớm, khi mới ngủ dậy.

Nguyên nhân dẫn đến chuột rút được lý giải có thể do thai phụ tăng trọng lượng, khoảng 7-16kg, khiến đôi chân chịu trọng lực lớn. Ngoài ra, do tử cung ngày càng giãn nở theo tuổi thai, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu đến chân. Nguyên nhân khác, có thể do thai phụ thiếu chất trong thai kỳ. Kết quả các xét nghiệm cho thấy bà bầu thường thiếu canxi và magiê.

Triệu chứng của chuột rút thường xảy ra đột ngột, khi thai phụ đang nằm hoặc xoay người, thay đổi tư thế. Các cơn chuột rút khiến thai phụ đau, nhiều khi kéo dài, ảnh hưởng đến việc vận động và sức khỏe. BS Vũ Ðăng Khoa khuyên, chị em khi bị chuột rút, cần tìm ra nguyên nhân sớm để điều chỉnh lối sống, vận động và dinh dưỡng, hạn chế các cơn đau. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, chị em đi làm công việc văn phòng cần hạn chế ngồi lâu tại chỗ. Tranh thủ vận động, tập các động tác thể dục tại chỗ và bài tập kéo căng cơ nhẹ nhàng, đi bộ, mát-xa vùng cơ lưng, mông đùi và bắp chân thường xuyên bằng túi chườm ấm hay tắm nước nóng trước khi đi ngủ.

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, các cơn co rút xuất hiện nhiều hơn, thai phụ cần sự hỗ trợ của người thân, thường xuyên mát-xa chân. Chị em tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, tuy nhiên, hạn chế việc nằm một chỗ cả ngày. Ở 3 tháng cuối thai kỳ, tăng cường dinh dưỡng và xét nghiệm máu để bổ sung các khoáng chất thiếu hụt theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các loại thực phẩm giàu kali như thịt, cá, trứng, chuối, trái cây, tuy nhiên hạn chế trái cây quá ngọt. Uống đủ lượng nước trung bình khoảng 2lít/ngày.

Phù chân

Tình trạng phù chân thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong 9 tháng mang thai, tùy thể trạng mỗi thai phụ. Nguy cơ cao thường gặp ở người thừa cân, béo phì hay làm công việc đặc thù phải ngồi nhiều, đứng lâu trong ngày.

Theo BS Vũ Ðăng Khoa, nguyên nhân gây phù có thể do cơ thể thai phụ tăng khối lượng khi mang thai. Ngoài ra, do 3 tháng cuối, tử cung giãn nở, chèn ép các mạch máu vùng dưới chi. Cũng có thể, thai phụ có tiền sử giãn tĩnh mạch chi dưới, khi mang thai nguy cơ bị phù nhiều hơn.

Nếu thai phụ chỉ bị phù chân đơn thuần, không kèm các yếu tố bệnh lý thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng phù chân kèm căng cứng cần đến bác sĩ thăm khám, kiểm tra tĩnh mạch chi. Trường hợp chân phù, vùng mặt, mắt cũng phù, mọng nước, hai chân phù không cân đối, chân phù kèm đau nhức, nhấc chân không nổi thì cũng cần đi khám tầm soát tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Hoặc phù chân kèm đau đầu, mắt nhìn mờ, có thể là dấu hiệu của bệnh cao huyết áp hay tiền sản giật thai kỳ. Trường hợp khác, vừa phù chân vừa đau vùng thượng vị cần được tầm soát bệnh lý gan…

BS Khoa nhắn nhủ, chị em nên lắng nghe cơ thể, nhận biết dấu hiệu bất thường để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Một số biện pháp gợi ý giúp cải thiện tình trạng phù chân khi mang thai, đó là chọn tư thế nằm thoải mái nhất. Khi nằm nghiêng hay ngửa, kê chân cao hơn đầu, giúp máu tuần hoàn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp mát-xa, tăng lưu thông máu lên chân, giảm phù chân. Chú ý đến công việc, điều chỉnh phù hợp với thể trạng của mẹ bầu. Chọn giày dép đi phù hợp, mềm, hạn chế đau gót. Mặc quần áo thoải mái. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; vận động, tập thể dục nhẹ nhàng.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …