Bài, ảnh: H.Hoa
Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, trong 2 tuần (từ ngày 5 đến 18-9-2023), bệnh viện đã khám ngoại trú cho 1.285 bệnh nhi bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng gần 670% so với cùng kỳ 2022. Riêng nội trú, có 7 ca, trong khi cùng kỳ 2022 không có ca nào.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, chỉ trong ngày 21-9-2023, các bác sĩ đã khám trên 200 trẻ bị đau mắt đỏ. Theo các bác sĩ, nếu trẻ bị viêm kết mạc, có thể có một hay nhiều dấu hiệu và triệu chứng như sau: Mắt đỏ hoặc hồng, một bên hoặc cả hai mắt; đỏ sau hai mí mắt trên và dưới; sưng mí mắt; chảy nước mắt liên tục; ghèn đóng dày đặc quanh mắt khi ngủ dậy, tạo ra lớp vỏ cứng quanh mí mắt; cảm giác chói mắt; cảm giác xốn mắt như có cát trong mắt; ngứa mắt và liên tục dụi mắt,…
Các triệu chứng trên thường xuất hiện trong vòng 24-72 giờ sau khi bị nhiễm bệnh và có thể kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần… Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm kết mạc, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong vài ngày.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám cho trẻ bị đau mắt đỏ.
Tuy nhiên, trong những ngày chăm sóc trẻ tại nhà, gia đình nếu thấy các triệu chứng dưới đây, cần đưa trẻ đi thăm khám sớm tại phòng khám chuyên khoa mắt: Các triệu chứng không thuyên giảm trên 10 ngày; thay đổi trong tầm nhìn; đau mắt dữ dội; nhạy cảm quá mức với ánh sáng; sưng húp mí mắt. Đau mắt đỏ nói chung và đau mắt đỏ ở trẻ em nói riêng là căn bệnh dễ lây lan. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên lập tức đưa trẻ đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Theo BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, ngay từ khi bệnh đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội, CDC đã tăng cường công tác truyền thông; tham mưu Sở Y tế TP Cần Thơ ban hành công văn tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trước tựu trường.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ; khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, nhà trường cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; thông báo cho Trung tâm Y tế và Trạm Y tế ở địa phương để phối hợp xử lý. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh. Cơ sở giáo dục thông báo cho phụ huynh của học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học không đưa học sinh đến trường cho tới khi học sinh hết bệnh.
Sở Y tế cũng giao CDC Cần Thơ chủ trì phối hợp Trung tâm Y tế quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình đau mắt đỏ tại các địa phương trên địa bàn thành phố. Phối hợp các cơ sở giáo dục xử lý các trường hợp đau mắt đỏ tại trường, không để lây lan trên diện rộng trong cơ sở giáo dục và lan ra cộng đồng. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập, ngoài công lập thông báo cho Trung tâm Y tế quận, huyện tại địa phương về tình hình khám, chữa bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là các trường hợp học sinh tại các trường trên địa bàn.