BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ

Rate this post

*Cứu kịp cụ bà 81 tuổi đột quỵ

(CTO) – Ngày 23-11, Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức lễ đón nhận tiêu chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới. Đây là sự kiện đánh dấu quá trình nỗ lực của BV trong việc đáp ứng hệ thống tiêu chí theo chuẩn quốc tế về quy trình điều trị cấp cứu đột quỵ cấp, khả năng huấn luyện con người, trang thiết bị chẩn đoán, sự phối hợp giữa các khoa liên quan trong quá trình điều trị bệnh nhân đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh (bìa phải) trao chứng nhận vàng BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh: THU SƯƠNG

BS CKI Lư Kim Bằng, Phó Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, có 2 loại đột quỵ thường gặp là nhồi máu não (chiếm 70 – 80%) và xuất huyết não (15 – 20%). Với trường hợp nhồi máu não, phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là tối ưu, giúp làm tan cục máu đông, không cần phẫu thuật hay can thiệp. Người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh và giảm nguy cơ yếu liệt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng tối đa cho người bệnh trong 4,5 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng khởi phát. Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn ở mạch máu lớn, phương pháp can thiệp nội mạch lấy cục máu đông sẽ được áp dụng với hệ thống DSA. Bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí mạch máu não bị tắc, tiếp cận và lấy cục máu đông cho bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Y khoa BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, những năm qua, BV đã vận hành quy trình tối ưu cấp cứu người bệnh đột quỵ cấp, có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, giúp điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp. Đây là một trong những điều kiện giúp BV đạt chứng nhận chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ. BV cũng được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại như máy chụp MRI, máy chụp MSCT, DSA… giúp tầm soát đột quỵ từ sớm hiệu quả. Những phần mềm chuyên dụng sẽ giúp hỗ trợ đánh giá, phát hiện các nguy cơ cao đột quỵ như tắc nghẽn, hẹp, phình, vỡ phình, dị dạng mạch máu não… Ngoài ra, việc tầm soát, điều trị các bệnh lý nền liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máú, béo phì, thuốc lá… cũng đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa đột quỵ.

Dịp này, BV cũng tổ chức hội thảo chuyên đề cập nhật những tiến bộ trong quy trình cấp cứu đột quỵ.

* Các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu thành công cho cụ bà 81 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long bị đột quỵ cấp.

Thông tin từ gia đình, bà N.T.T đột nhiên cảm thấy chóng mặt, té xuống nền nhà, méo miệng kèm ói. Người nhà đưa cụ đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. BV kích hoạt quy trình Code Stroke, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 1 kể từ khi khởi phát.

Sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân và sử dụng liều thấp thay vì liều tiêu chuẩn để hạn chế biến chứng xuất huyết trên bệnh nhân lớn tuổi. Cụ bà bắt đầu được tiêm thuốc chỉ sau 15 phút từ khi đến Khoa Cấp cứu.

Sau tiêm thuốc 1 giờ, tay và chân bên phải của bệnh nhân đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc để theo dõi tích cực.

BS CKI Nguyễn Chí Hiểu, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cũng là thành viên của Đội Code Stroke cho biết: Nếu cụ bà không được can thiệp kịp thời có thể hôn mê, ngừng thở nhanh chóng. Phương pháp tiêu sợi huyết giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh và giảm nguy cơ yếu liệt. Tuy nhiên, thuốc tiêu sợi huyết chỉ có tác dụng tối đa cho người bệnh trong 3 giờ đầu kể từ khi phát hiện.

Bác sĩ thăm khám khả năng vận động tay chân của cụ bà trước khi xuất viện. Ảnh: BV

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …