TP Cần Thơ có hệ thống y tế chuyên khoa sản, nhi phát triển mạnh, giúp dự phòng và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, cộng đồng ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc trẻ từ trong bào thai cho đến giai đoạn đầu đời.
Cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Uớc tính năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở nước ta thì có gần 10 trẻ tử vong, tương đương mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh tử vong trên cả nước. Chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của nước ta cũng ở mức cao, 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong).
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, chỉ số tử vong trẻ em ở nước ta còn rất cao so với các nước. Ở Đông Nam Á, như Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2/1.000. Việt Nam hiện đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Đó là do thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa sản, nhi ở hệ thống y tế cơ sở; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị; hạn chế năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh ở nhiều địa phương. Cơ chế thù lao cho cán bộ y tế cơ sở thấp cũng gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trẻ em phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao nhất trong 28 ngày đầu tiên của cuộc đời. Trên cơ sở đó, hệ thống y tế TP Cần Thơ từ tuyến thành phố đến cơ sở từng bước nâng cao hiệu quả chăm sóc cho trẻ từ trong bào thai đến giai đoạn đầu đời. Ở các bệnh viện (BV) tuyến thành phố, các khoa nhi – sơ sinh tiến hành chăm sóc sơ sinh theo mô hình kết hợp sản – nhi, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Từ kết quả nghiên cứu với gần 2.500 trẻ sơ sinh trong quá trình thực hiện đề tài Khảo sát mô hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại khoa Nhi – Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ năm 2020-2021, các bác sĩ ghi nhận tỷ lệ tử vong chung của trẻ sơ sinh là 13,4/1.000, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Thời gian tử vong sơ sinh chủ yếu 24 giờ tuổi. Các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong gồm: nhiễm trùng huyết, dị tật bẩm sinh, trẻ sinh non và các biến chứng, viêm phổi, suy hô hấp. Trên cơ sở mô hình bệnh tật đó, khoa Nhi – Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ liên tục triển khai nhiều kỹ thuật cao để đáp ứng điều trị cho trẻ.
BV Nhi đồng TP Cần Thơ, với vai trò BV chuyên khoa nhi của vùng ĐBSCL, cũng đáp ứng điều trị hiệu quả các bệnh lý nặng, nguy kịch ở trẻ sơ sinh. Khoa Sơ sinh BV triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu như: kỹ thuật đặt catherter động mạch quay đo huyết áp xâm lấn, đặt catherter động mạch rốn đo huyết áp xâm lấn, thay máu sơ sinh điều trị vàng da nặng qua catherter tĩnh mạch rốn, đặt catherter tĩnh mạch trung tâm, bơm surfactant qua nội khí quản, thở máy rung cao tần HFO, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh non tháng và có bệnh lý.
Ngoài ra, thành phố còn có nhiều BV tư nhân phát triển chuyên sâu lĩnh vực sản – nhi khoa. Theo đó, tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi giảm dần, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng cũng được cải thiện; gần 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; gần 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc các tật, bệnh bẩm sinh.
Theo các chuyên gia, để giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, cần tích cực triển khai các giải pháp can thiệp, đó là chăm sóc bà mẹ trước khi sinh, theo dõi, quản lý chặt chẽ thai kỳ, hạn chế các tai biến, nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình mang thai, giúp giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng phương pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng nguy cơ mắc nhiều bệnh; chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh như cho trẻ bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh. Tăng cường giáo dục dinh dưỡng, tập huấn, đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn, từ ngày 1-10 đến ngày 7-10-2023 với chủ đề Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG