Các bác sĩ ghi nhận, bất kể thời điểm nào trong năm, người lớn cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, khác với trẻ nhỏ thường mắc bệnh tập trung trong giai đoạn dịch bùng phát. Ngoài ra, người lớn mắc sốt xuất huyết, tình trạng sốt sẽ kéo dài hơn. Một số trường hợp bắt buộc nhập viện điều trị khi bị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
BS Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ luôn có khoảng 10 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm viện. Đa phần bệnh nhân mắc bệnh mức độ nặng, có diễn biến sốc, tái sốc nhiều lần, từ các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến.
Theo BS CKII Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, những năm gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp ở cả người lớn cũng như bệnh nhi. Đối với người lớn, bệnh lý này xảy ra quanh năm chứ không tập trung đỉnh điểm như trước.
Anh H.C.S (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) điều trị tại khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa TP Cần Thơ ngày thứ 7 và đang dần hồi phục. Anh S kể, năm ngoái anh bị sốt xuất huyết lần đầu, năm nay gặp các triệu chứng tương tự, nghi tái mắc sốt xuất huyết nên anh đến BV thăm khám. Những ngày đầu, anh sốt cao trên 390C, uống thuốc hạ sốt không giảm; tay chân đau mỏi, run, đau đầu, đau lan ra sau gáy, chán ăn. Quá trình nằm viện, anh được các bác sĩ, điều dưỡng thăm khám thường xuyên, theo dõi sát diễn tiến bệnh. Theo anh S, nguyên nhân gây bệnh có thể do mấy hôm trước anh tụ tập với bạn bè ở quán ăn bên bờ sông, bị muỗi đốt.
BS Trần Văn Phúc cho biết, người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết có vài dấu hiệu cảnh báo khác biệt so với trẻ nhỏ. Đó là tình trạng sốt kéo dài, khoảng 10 ngày. Giai đoạn sốc tập trung từ ngày thứ 4 đến thứ 7 sau khởi phát bệnh. Khi đó, bệnh nhân đột ngột giảm sốt, tuột huyết áp, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói, đau bụng, chảy máu chân răng, tiêu phân đen… Bệnh nhân cần được kiểm tra các chỉ số, xác định tình trạng bệnh, cấp cứu chống sốc kịp thời.
Các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ luôn cảnh giác với bệnh lý sốt xuất huyết, chủ động sàng lọc, tầm soát khi bệnh nhân vào viện có sốt. Sau khi xác định bệnh, bác sĩ đánh giá mức độ bệnh, chỉ định những trường hợp sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà và những trường hợp cần nhập viện điều trị, góp phần giảm tải BV.
Thời gian qua, BV gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài, tuy nhiên, lãnh đạo BV Đa khoa TP Cần Thơ đã chủ động các giải pháp đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Cán bộ y tế khoa Truyền nhiễm BV cũng được tập huấn, cập nhật kiến thức hằng năm về bệnh sốt xuất huyết ở người lớn. Trong quá trình tiếp nhận, điều trị, những trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, giai đoạn sốc diễn biến nặng, đều có sự tham gia hội chẩn của các bác sĩ hồi sức tích cực, săn sóc đặc biệt giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Đồng thời, BV cũng chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới để chẩn đoán và đánh giá mức độ bệnh chính xác, giúp người bệnh được điều trị hiệu quả, chuyển viện kịp thời.
Mặc dù bệnh sốt xuất huyết ngày càng phổ biến trong cộng đồng và năng lực điều trị của các cơ sở y tế ngày càng nâng cao. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp người bệnh vào viện trễ. Một số bệnh nhân cho rằng, sốt xuất huyết chủ yếu ở trẻ nhỏ, còn người lớn ít mắc bệnh hơn và bệnh không đáng ngại, nên nhiều người tự uống thuốc hạ sốt, áp dụng các bài thuốc dân gian, theo dõi bệnh tại nhà chứ không đi khám bệnh.
Theo BS CKII Trần Văn Phúc, khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn, cần theo dõi tại nhà hay nhập viện. Với phụ nữ mang thai, khi mắc sốt xuất huyết, bắt buộc phải nhập viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bệnh sốt xuất huyết, không cần kiêng khem trong việc ăn uống. Những ngày đầu mắc bệnh, trong giai đoạn sốc, người bệnh cần uống nhiều nước, sữa, ăn thức ăn mềm; trong giai đoạn bệnh nhân dần hồi phục, cần chú ý bồi bổ các thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường dưỡng chất, năng lượng cho cơ thể.
BS Phúc lưu ý thêm, muỗi vằn là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào thời điểm trời mờ tối hoặc sáng sớm. Thời gian qua, nhiều người bệnh sống ở khu vực thành thị mắc bệnh hơn so với nông thôn, có thể do bị muỗi đốt vào ban ngày. Thói quen trong sinh hoạt tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh như để các vật dụng chứa nước sạch không nắp đậy hay chứa nước trong lọ cắm hoa cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản, truyền mầm bệnh. Do vậy, cần xử lý môi trường, xua đuổi muỗi trong quá trình làm việc, hạn chế bị muỗi đốt.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG