Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Nhiều chị em “lười” đi thăm khám sức khỏe sinh sản. Chỉ đến khi sức khỏe có những dấu hiệu bất thường mới đi khám, đôi khi bệnh đã ở giai đoạn nặng… Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, chị em nên chủ động đến trạm y tế địa phương, nơi có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tư vấn tận tình cho người bệnh.
Đầu tháng 9-2023, Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Cần Thơ phối hợp với Phòng Dân số – KHHGĐ huyện Thới Lai và Trạm Y tế xã Đông Thuận tổ chức thăm khám sức khỏe sinh sản cho chị em ở địa phương. Chị em được siêu âm tổng quát và miễn phí thuốc điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp. BS CKII Đỗ Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết, qua siêu âm hơn 200 lượt, kết quả cho thấy, đa phần chị em có sức khỏe tốt, ít thừa cân béo phì, thể trạng khỏe mạnh. Chỉ số ít trường hợp có các vấn đề về khối u, phần phụ, gan nhiễm mỡ. Chị em có ý thức tốt trong việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Qua đó cho thấy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số địa phương thực hiện đạt hiệu quả công tác tuyên truyền cho cộng đồng.
Cán bộ dân số xã Đông Thuận tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em.
Theo BS Ngọc, có một vấn đề đáng lưu ý là chị em chưa chủ động, còn “lười” thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ. Khai thác tiền sử bệnh, chị em cho biết, khi thấy cơ thể có bất thường mới đi khám. Nhiều trường hợp, đến với bác sĩ thì bệnh đã nặng. Bởi lẽ, các bệnh lý sản phụ khoa trong đó các bệnh nan y thường tiến triển âm thầm, dai dẳng. Từ thực tế khám chữa bệnh cho chị em vùng nông thôn trên địa bàn thành phố nhiều năm qua, BS Ngọc ghi nhận, chị em nông thôn rất ít đi khám bệnh, có khi một năm không đi khám sức khỏe lần nào. Đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng, điều trị kém hiệu quả. Vì vậy, trước hết, người dân nên hiểu được quyền lợi thăm khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên, liên tục tại trạm y tế và trung tâm y tế quận, huyện để phát hiện sớm, phòng bệnh. Bên cạnh đó, y tế cơ sở cũng cần cải thiện chất lượng chuyên môn để tạo uy tín, thu hút người bệnh tin tưởng, lựa chọn nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thời gian qua, Hội KHHGĐ TP Cần Thơ cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thăm khám lưu động tại cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em. Chị Võ Thị Thanh Thúy (48 tuổi, ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị tình trạng khí hư kéo dài, tái đi tái lại. Chị Thúy đã từng điều trị tại Trung tâm y tế huyện. Khi hay tin Trạm Y tế xã tổ chức chương trình thăm khám và siêu âm sản phụ khoa miễn phí, có bác sĩ ở Hội KHHGĐ TP Cần Thơ về, chị đến trạm khám và nhận thuốc điều trị. Chị Thúy chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con đi làm ăn xa, chị giúp giữ cháu ngoại còn nhỏ nên cũng lơ là chăm sóc sức khỏe. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cũng tư vấn chị cần chú ý sức khỏe tiền mãn kinh có nhiều rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, chú ý chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, phù hợp lứa tuổi.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện có đến 90% phụ nữ nước ta mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, trong đó, bệnh viêm âm đạo chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân dẫn đến bệnh bao gồm thói quen vệ sinh không đúng, lạm dụng sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hằng ngày, dùng các thảo dược tự pha như trà xanh, nước muối với nồng độ không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến môi trường âm đạo. Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, hầu hết các trường hợp mắc bệnh không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khi được điều trị đúng cách. Ngược lại, nếu không chữa trị dứt điểm, nhiễm trùng âm đạo có thể lây lan sang các cơ quan khác. Viêm vùng kín kéo dài, khí hư ra nhiều làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, cản trở trứng gặp tinh trùng, gia tăng nguy cơ hiếm muộn. Ngoài ra, phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa có nhiều khả năng sinh con thiếu tháng, em bé nhẹ cân, dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.