Chủ động giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ

Rate this post

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em chào đời, trong đó có 2-3% bị bệnh lý di truyền, các tật, bệnh bẩm sinh. Ðiều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ tầm soát sức khỏe cho thai phụ.

Một số dị tật bẩm sinh thường gặp như: bệnh Down (chậm phát triển trí tuệ), dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Thalassemia (tan máu bẩm sinh)…

Theo Ths.BS Lê Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), tất cả phụ nữ mang thai đều có một số nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh. Hầu hết các dị tật xuất hiện trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ.

Một số yếu tố dẫn đến dị tật bẩm sinh gồm: Tiền sử gia đình có người thân bị dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền khác; sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia khi mang thai; tuổi mẹ lớn (từ 35 tuổi trở lên); thai phụ mắc bệnh truyền nhiễm khi mang thai hay mẹ bị đái tháo đường, lupus ban đỏ… Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như thai phụ tiếp xúc với chất độc hại, chất phóng xạ, tự ý sử dụng thuốc khi mang thai.

Các nhóm dị tật bẩm sinh thường gặp

– Rối loạn nhiễm sắc thể:

Hội chứng Down: là bất thường nhiễm sắc thể phổ biến nhất, nguy cơ bất thường gia tăng tỷ lệ thuận với tuổi mẹ.

Hội chứng Klinefelter: Những bé trai mắc hội chứng này cơ thể sản xuất ít testosterone hơn, có thể bị khuyết tật về khả năng học tập.

Hội chứng Patau (Trisomy 18) và Hội chứng Edward (Trisomy 13): trẻ sơ sinh mắc một trong hai hội chứng này thường không thể sống sót trong năm đầu tiên.

Hội chứng Turner: Chứng rối loạn hiếm gặp, ở nữ giới, ảnh hưởng đến chiều cao và khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị sớm, em bé có thể phát triển khỏe mạnh.

– Rối loạn di truyền:

Bệnh Thalassemia: Là bệnh thiếu máu tán huyết hay tan máu bẩm sinh, di truyền từ cha mẹ sang con, biểu hiện chính là tình trạng thiếu máu. Bệnh có thể phòng ngừa thông qua các xét nghiệm tiền hôn nhân của bố mẹ, sinh thiết phôi khi làm thụ tinh trong ống nghiệm hoặc các sàng lọc sau sinh ở trẻ.

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm: một dạng thiếu máu di truyền do không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang đầy đủ oxy trong cơ thể người bệnh.

Bệnh xơ nang: Bệnh tồn tại suốt đời, gây nên những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tiêu hóa, hô hấp và rút ngắn thời gian sống của người bệnh.

– Yếu tố môi trường:

Các chất như rượu bia, ma túy, một số loại thuốc và các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, rubella, giang mai đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Sự phát triển của dị tật bẩm sinh phụ thuộc vào các yếu tố như: Thời gian phơi nhiễm kéo dài, thai phụ và thai nhi tiếp xúc với bao nhiêu chất độc, giai đoạn mang thai (3 tháng đầu dễ tổn thương nhất).

Theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả các dị tật bẩm sinh đều có thể ngăn ngừa được nhưng có thể tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh bằng cách quản lý tình trạng sức khỏe và áp dụng các hành vi lành mạnh trước và trong khi mang thai.

Khuyến cáo của chuyên gia

Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân và trước khi mang thai. Tiêm các loại vaccine phòng bệnh cho thai phụ và thai nhi. Trước khi mang thai nên tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Phụ nữ béo phì có nguy cơ cao bị biến chứng khi mang thai, tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Bổ sung acid folic mỗi ngày: Acid folic có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở não và cột sống của em bé (bệnh não và tật nứt đốt sống). Những dị tật bẩm sinh này phát triển rất sớm trong thai kỳ. Ngoài nguồn dinh dưỡng giàu acid folic từ thực phẩm, có thể uống bổ sung vitamin có chứa acid folic mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Tránh các chất có hại khi mang thai như rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Uống rượu khi mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu và nhiều khuyết tật về thể chất và trí não. Những mối nguy hiểm của việc hút thuốc và sử dụng các chất gây nghiện khi mang thai bao gồm sinh non, trẻ nhẹ cân, một số dị tật bẩm sinh và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Cẩn trọng dùng thuốc: Lập kế hoạch điều trị cho tình trạng sức khỏe trước khi mang thai có thể giúp mẹ bầu và em bé phát triển khỏe mạnh. Trước khi uống thuốc, cần tham vấn ý kiến bác sĩ.

Thăm khám định kỳ suốt thai kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sản. Thực hiện các xét nghiệm cần thiết sàng lọc trước sinh và sơ sinh để kịp thời can thiệp, giảm thiểu các dị tật bẩm sinh.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …