Công nghệ AI đột phá giúp phát hiện sớm “vua của các bệnh ung thư”

Rate this post

Các nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyên gia nghiên cứu lâm sàng ở Trung Quốc vừa hợp tác phát triển thành công phương pháp sàng lọc mới nhằm phát hiện sớm ung thư tuyến tụy – một trong những bệnh gây tử vong cao nhất thế giới.

Tuyến tụy rất quan trọng với hệ tiêu hóa và hệ nội tiết, giúp cơ thể hấp thu các dưỡng chất và cân bằng lượng đường trong máu. Ảnh: The Times

Tuyến tụy rất quan trọng với hệ tiêu hóa và hệ nội tiết, giúp cơ thể hấp thu các dưỡng chất và cân bằng lượng đường trong máu. Ảnh: The Times

Ung thư tuyến tụy được xem là “vua của các bệnh ung thư” do tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm mắc bệnh này chưa tới 10%. Đây là căn bệnh đã từng giết chết người đồng sáng lập Apple Steve Jobs vào năm 2011 và cũng khiến Wu Zunyou, nhà khoa học trưởng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tử vong hồi tháng rồi. Một trong những lý do chính khiến bệnh có tỷ lệ tử vong cao là khó phát hiện ở giai đoạn đầu.

Theo bệnh viện Mayo Clinic, ung thư tuyến tụy thường không gây ra triệu chứng gì cho đến khi nó lan sang các cơ quan khác. Nhưng mô hình sàng lọc sớm ung thư tuyến tụy, được phát triển bởi các nhà khoa học AI từ Học viện DAMO – thuộc tập đoàn công nghệ Alibaba – và các nhà nghiên cứu lâm sàng từ các bệnh viện lớn ở Trung Quốc, đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Mô hình này được thiết kế riêng cho ung thư biểu mô tuyến tụy (PDAC), loại phổ biến nhất và chiếm hơn 95% tổng số trường hợp ung thư tuyến tụy. PDAC gây ra khoảng 466.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có nguy cơ cao được phát hiện PDAC khi sàng lọc sớm có thời gian sống sót trung bình là 9,8 năm, trong khi những người được chẩn đoán muộn chỉ sống thêm khoảng 1,5 năm.

Tác giả chính Cao Kai từ Viện Bệnh tuyến tụy Thượng Hải cho biết: “Các công cụ sàng lọc sớm ung thư tuyến tụy hiện nay nhìn chung có độ chính xác kém, dẫn đến nhiều trường hợp chẩn đoán sai và hoảng loạn không cần thiết”.

Do đó, ông cùng Lu Le, trưởng nhóm y tế của Học viện DAMO, đã nảy ra ý tưởng sử dụng AI để hỗ trợ sàng lọc ung thư sớm. Họ đã phối hợp với hơn 10 tổ chức y tế uy tín khởi xướng dự án nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ kết hợp ảnh chụp cắt lớp vi tính không cản quang (CAT) – được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế và bệnh viện, với công nghệ AI để tạo ra một mô hình phù hợp để sàng lọc ung thư tuyến tụy quy mô lớn.

Sản phẩm trí tuệ của họ là một thuật toán “phát hiện ung thư tuyến tụy bằng trí tuệ nhân tạo” – gọi là PANDA. Nó được huấn luyện dựa trên hơn 3.200 bộ hình ảnh từ một viện nghiên cứu ung thư tuyến tụy ở Trung Quốc, khoảng 70% trong số đó xuất phát từ những bệnh nhân bị tổn thương tuyến tụy. Nhờ bộ dữ liệu lớn cùng khả năng xử lý dữ liệu tinh vi và sáng tạo, PANDA đã được huấn luyện thành một chuyên gia hình ảnh AI hiệu suất cao.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện DAMO cho biết sự khác biệt rất nhỏ trong các ảnh chụp CAT không tương phản có thể khó phát hiện bằng mắt thường nhưng PANDA có thể phát hiện.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Nature Medicine, khi ứng dụng PANDA vào phân tích hình ảnh thực tế của 20.530 bệnh nhân, nhóm nghiên cứu phát hiện độ đặc hiệu của nó đạt 99,9%, nghĩa là cứ 1.000 ca thì chỉ có 1 ca dương tính giả. Trong khi đó, độ nhạy hoặc khả năng phát hiện khối u tuyến tụy của nó có thể đạt tới 92,9%, vượt xa hiệu suất trung bình của bác sĩ X-quang là 34,1%.

Một trong những người đánh giá bài báo, Li Ruijiang, Phó giáo sư về xạ trị ung thư tại Trường Y Stanford (Mỹ), cho biết công trình này cho thấy “một bước tiến quan trọng và đúng hướng về sàng lọc ung thư tuyến tụy”. Mô hình PANDA đã được sử dụng hơn 500.000 lần trong các cơ sở bao gồm bệnh viện và khám bệnh, đồng thời đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu bị bỏ sót trước đó.

Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Nature, chuyên gia lâm sàng người Ðức Joerg Kleeff và đồng nghiệp nhận xét: “Các số liệu chính xác của thuật toán PANDA vượt trội hơn so với một số phương pháp sàng lọc đã được công nhận”. Dù vậy, họ cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm về khả năng giảm tỷ lệ tử vong của PANDA trước khi công nghệ này được ứng dụng rộng rãi.

HOÀNG ÐIỂU (Theo SCMP, News-medical.net)

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Mẹ bị Alzheimer, con có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo phát hiện mới của Tạp chí JAMA Neurology, mẹ mắc Alzheimer có nguy cơ …