Ðầu số 115 là tổng đài cấp cứu y tế tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ người bị bệnh tật, tai nạn nguy cấp tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người gọi đến tổng đài 115 chỉ để đùa cợt!
Bệnh nhân được sơ cứu tại trạm y tế trước khi chuyển lên tuyến trên.
Thời gian qua, Khoa cấp cứu của các bệnh viện (BV) đa khoa thuộc khu vực miền Tây gặp phải vấn nạn cuộc gọi rác gọi đến tổng đài 115 rất nhiều, khiến các y bác sĩ rất đau đầu và bức xúc. BS Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Ða khoa tỉnh Bạc Liêu kể, điện thoại bộ phận cấp cứu 115 của BV bị quấy rối liên tục. Thậm chí, có cuộc gọi từ TP Hồ Chí Minh gọi về Bạc Liêu. Hay một vụ tai nạn giao thông, có đến 5-7 người gọi cho BV nhưng ngay sau đó người dân chở bệnh tới không chờ xe đến.
BS La Quốc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu BV Ða khoa tỉnh Trà Vinh cho biết, áp lực rất lớn đối với các cuộc gọi rác mà không có giải pháp xử lý triệt để. Hơn 60% cuộc gọi đến 115 báo thông tin giả. Mỗi ngày không dưới 100 cuộc gọi đến 115 để phá, quấy rối. Có trường hợp gọi liên tục 200 cuộc một năm mà BV không chặn được. BV cũng thực hiện quy trình, báo đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, sau đó bác sĩ trực viết tường trình, lực lượng công an phối hợp nhưng cũng không giải quyết xong. Nhiều lần như thế, bác sĩ bất lực vì thủ tục rườm rà, trong khi công việc tại khoa Cấp cứu luôn quá tải. Mỗi kíp trực khoảng 10 cán bộ y tế gồm cả bác sĩ và điều dưỡng, cấp cứu hồi sức cho số lượng lớn bệnh nhân, lại phải nghe đường dây 115 nhưng đa phần là cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến công việc cấp cứu những người bệnh khác.
Ở Trung tâm 115 TP Hồ Chí Minh cũng gặp phải tình trạng tương tự. Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 1.000 – 1.200 cuộc gọi, tuy nhiên, những cuộc gọi có nội dung phù hợp chỉ khoảng 1/10.
Trước thực trạng đó, các bác sĩ mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng cuộc gọi rác đến tổng đài 115, cần xử lý nghiêm, để răn đe các hành vi quấy rối. Bên cạnh đó, cũng kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm chung đối với hệ thống cấp cứu ngoại viện. Việc quấy rối không chỉ làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các y bác sĩ, mà còn cướp đi cơ hội được cấp cứu nhanh chóng của những trường hợp nguy cấp thật sự.
Ngoài ra, về vấn đề cấp cứu ngoại viện, các bác sĩ có vài khuyến cáo để người dân chủ động trong các tình huống khẩn cấp:
– Trang bị các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu tại cộng đồng từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, tổng hợp sổ tay y tế của bản thân và gia đình: khi bị hỏa hoạn, tai nạn ngạt nước, ngưng tim, ngưng thở, đột quỵ thì xử trí thế nào, liên hệ ở đâu… để có thể ứng phó trong những tình huống khẩn cấp. Khi xảy ra sự cố, đưa người bệnh đến đúng nơi, trong thời gian nhanh nhất, sẽ mang lại hiệu quả cấp cứu, điều trị tốt nhất cho người bệnh.
– Lưu lại số điện thoại của các BV đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn và trong khu vực để có thể liên hệ ngay khi cần thiết. Kết nối với bác sĩ thường xuyên thăm khám cho gia đình để được tư vấn hợp lý trước khi đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Trên địa bàn TP Cần Thơ, có nhiều BV vận hành quy trình báo động đỏ, phối hợp cấp cứu nội viện, liên viện như BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, BV S.I.S Cần Thơ, BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long,… Khi có những trường hợp khẩn cấp, người thân nên gọi đến BV trước khi đưa người bệnh đi cấp cứu.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG