NGUYỆT CÁT (Theo Eat this, Forbes)
Vì ruột đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, các chuyên gia sức khỏe thường ví ruột như “bộ não thứ hai” hoặc “cổng chính” để hấp thụ các dưỡng chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, sức khỏe ruột có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân trong sinh hoạt hằng ngày bao gồm chế độ ăn kém lành mạnh, sử dụng thuốc. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất giúp bạn nhận biết đường ruột đang không khỏe:
Nhóm thực phẩm cải thiện sức khỏe đường ruột.
1. Thường xuyên bị đầy hơi
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Manaker cho biết, mặc dù có nhiều lý do dẫn tới đầy hơi, nhưng một nguyên nhân thường gặp là do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Vì thế, những người có vấn đề về sức khỏe đường ruột thường có nguy cơ mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) cao hơn và một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của IBS là đầy hơi hoặc đau bụng.
2. Thường xuyên mệt mỏi
Theo chuyên gia Manaker, một số bằng chứng cho thấy những người thường xuyên mệt mỏi có đường ruột kém khỏe mạnh, mặc dù dấu hiệu mệt mỏi mãn tính cũng có thể là vì lý do khác, như thiếu máu do thiếu sắt, căng thẳng tinh thần hoặc đơn giản là ngủ không đủ giấc. Một nghiên cứu từ Sleep Medicine Reviews cho thấy các vấn đề và sự mất cân bằng về đường ruột có thể dẫn đến tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn hoặc không thể ngủ ngon giấc cả đêm, điều đó đồng nghĩa đường ruột có thể liên quan đến trạng thái mệt mỏi của bạn.
3. Táo bón
Một cách khác đơn giản để nhận biết sức khỏe đường ruột tốt là tần suất đi ngoài đều đặn và dễ dàng. Ðiều này cho thấy rằng quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru và đường ruột đang hoạt động ổn định.
Trong trường hợp bạn trải qua những dấu hiệu nêu trên, hãy ưu tiên tiêu thụ những nhóm thực phẩm có lợi ích tăng cường sức khỏe đường ruột dưới đây:
+ Thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật, như ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt), rau quả (bông atisô, bông cải xanh, cam, dâu tây), các loại hạt và đậu (hạt óc chó, đậu lăng, đậu Hà Lan). Cả hai loại chất xơ – gồm hòa tan hoặc không hòa tan – đều giúp ích cho sức khỏe đường ruột, nhờ tác động hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
+ Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn probiotic (như kim chi, nấm sữa kefir, tương đậu nành Nhật Bản, sữa chua). Ðây là nhóm thực phẩm chứa các vi sinh hoặc nấm men có lợi ích giống như các loại vi khuẩn “tốt” tìm thấy trong đường ruột. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa probiotic giúp tăng cường số lượng lợi khuẩn trong đường ruột hiệu quả.
+ Thực phẩm giàu prebiotic (măng tây, chuối, tỏi, tỏi tây, hành tây, đậu nành, yến mạch). Prebiotic là chất xơ hòa tan làm nguồn thức ăn cho các lợi khuẩn, giúp chúng phát triển khỏe mạnh trong ruột. Vì thế, việc tiêu thụ nhóm thực phẩm giàu prebiotic giúp duy trì sự cân bằng của các vi khuẩn “tốt” và qua đó cải thiện sức khỏe đường ruột.
+ Thực phẩm có tính kháng viêm (cá béo, hạt lanh, các loại quả mọng, nho, bông cải xanh, cà chua). Thực phẩm chống viêm chứa các chất dinh dưỡng có thể giúp làm giảm tình trạng viêm, như vitamin, khoáng chất và axít béo omega-3. Ðây là những chất quan trọng đóng vai trò tích cực trong quá trình chống ôxy hóa và kháng viêm tự nhiên của cơ thể, nên cũng tăng cường sức khỏe đường ruột.
Nhìn chung, các chuyên gia khuyến nghị nên đa dạng hóa các loại thực phẩm tiêu thụ để tăng cường cả sức khỏe đường ruột và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, cần uống nhiều nước trong ngày bởi việc đảm bảo cung cấp đủ nước giúp ích cho sức khỏe của tất cả hệ thống nội tạng, gồm cả đường ruột.