Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, đi bộ nhanh có thể giúp giảm gần 40% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
Người đi bộ nhanh có chức năng cơ thể và sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiểu đường tuýp 2 là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn trên thế giới, với số ca mắc bệnh tăng mạnh trong 30 năm qua. Tuy có hơn 537 triệu người đã được chẩn đoán và điều trị, nhưng ước tính có hàng triệu người khác vẫn chưa biết bản thân có thể đã mắc căn bệnh này.
Trong khi đó, đi bộ được biết là một hoạt động có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, vốn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ và cắt cụt chi dưới. Gần đây, các nhà nghiên cứu còn muốn tìm hiểu liệu tốc độ đi bộ có gia tăng lợi ích phòng ngừa căn bệnh mãn tính này hay không.
Để làm rõ mối liên hệ giữa tốc độ đi bộ và nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2, nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh), Đại học Khoa học Y tế (Iran) và Đại học Oslo New (Na Uy) đã đánh giá lại 10 nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 1999-2022, có thời gian theo dõi từ 3-11 năm, với sự tham gia của tổng cộng 508.121 bệnh nhân ở Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy so với đi bộ ở tốc độ chậm – dưới 3km/giờ, những người đi bộ với tốc độ “bình thường” từ 3-5km/giờ giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong khi đó, người đi bộ với tốc độ “khá nhanh” – từ 5 đến 6km/giờ – giảm 24% nguy cơ mắc bệnh. Và người đi bộ ở tốc độ nhanh hơn nữa có thể giảm tới 39% rủi ro sức khỏe này. Theo đó, cứ mỗi km tăng lên trong mỗi giờ đi bộ có liên quan đến mức giảm 9% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhóm nghiên cứu cho rằng những người có tốc độ đi bộ nhanh hơn có xu hướng khỏe mạnh hơn, có khối lượng cơ lớn hơn và sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Trong y học, tốc độ đi bộ là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể và là chỉ số chính về chức năng cơ thể. Tốc độ đi bộ nhanh hơn cho thấy tình trạng sức khỏe tim mạch và hô hấp tốt hơn – hai yếu tố đều có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đi bộ nhanh cũng rất tốt cho việc giảm cân, nhờ giúp cải thiện độ nhạy insulin. Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng những người đi bộ với tốc độ nhanh hơn thường có thân hình cân đối hơn.
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa cảnh báo việc ngồi lâu từ 6 tiếng trở lên mỗi ngày có thể khiến phụ nữ tăng gấp đôi nguy cơ phát triển u xơ tử cung. Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia Đại học Y Côn Minh đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 6.623 phụ nữ từ 30-55 tuổi. Trong bộ dữ liệu được thu thập này chứa nhiều thông tin gồm lịch sử kinh nguyệt và sinh sản, số con và độ tuổi sinh con đầu lòng, biện pháp tránh thai đã sử dụng, thời gian giải trí dành cho các hoạt động ít vận động, tập thể dục, chế độ ăn uống và số đo cơ thể. Các nhà nghiên cứu ghi nhận có 562 người (chiếm 8,5% tổng số người tham gia) mắc u xơ tử cung, với tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Qua phân tích, họ phát hiện nguy cơ u xơ tử cung tăng tỷ lệ thuận với thời gian rảnh rỗi dành cho các hoạt động tĩnh tại (như ngồi một chỗ chơi game hoặc xem tivi). Cụ thể, nguy cơ u xơ tử cung ở những phụ nữ ngồi từ 6 tiếng trở lên mỗi ngày cao gấp đôi những người ngồi ít hơn 2 giờ cho các hoạt động như vậy. Hơn nữa, nguy cơ này cao gấp 5 lần đối với phụ nữ tiền mãn kinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ nói trên có thể là do phụ nữ ít vận động có nguy cơ béo phì cao hơn, trong khi béo phì được biết là một yếu tố nguy cơ dẫn đến u xơ tử cung. |
AN NHIÊN (Theo Guardian, CNN)