Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Trong rất nhiều biến chứng của bệnh đái tháo đường, bàn chân viêm loét do tắc mạch khiến bệnh nhân vô cùng lo lắng, sợ phải đoạn chi. Ðể người bệnh không bị tàn phế, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ đã tận tâm chăm sóc vết thương, cố hết sức “cứu” bàn chân người bệnh.
BS CKII Lưu Ngọc Trân tư vấn người bệnh chăm sóc vết thương khi xuất viện.
Hệ lụy khi tin “bác sĩ Google”
Chú Nam (63 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mắc đái tháo đường nhiều năm, hằng tháng lãnh thuốc uống, sức khỏe tương đối ổn. Gần đây, trong lúc hàn điện, chú đạp phải đầu cọng dây đồng. Mấy ngày sau, ngón cái viêm sưng, bưng mủ. Chú tìm kiếm trên mạng, “bác sĩ Google” chẩn đoán chú bị biến chứng của bệnh đái tháo đường, tư vấn dùng oxy già và dung dịch sát trùng bôi vào, mua thêm kháng sinh về uống 3 ngày. Chú Nam làm theo nhưng ngón chân ngày một sưng đỏ, lở loét, đau nhức. Chú đến BV Ða khoa TP Cần Thơ khám.
Các bác sĩ tiên lượng chú Nam có nguy cơ phải tháo ngón. Vết thương ăn luồng, viêm xương, ban đầu không đáp ứng thuốc. Các bác sĩ theo dõi sát, đổi thuốc liên tục; mỗi ngày điều dưỡng cắt lọc, tìm đường giải thoát mủ. Sau một tuần, ngón chân của chú Nam bớt sưng, khô mài. Bác sĩ thông báo, có thể giữ lại ngón chân, chú Nam mừng lắm.
Còn chú Tuấn (ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ) bị vết thương ở ngón giữa chân trái, cũng theo lời “bác sĩ Google”, mua kháng sinh về uống, kết hợp rửa vết loét bằng oxy già và thuốc sát trùng. Nhưng ngón chân ngày càng rộng miệng, ăn lan cả hai mặt mu và lòng bàn chân. Chú đến cơ sở y tế địa phương khám, nhập viện điều trị hai đợt cũng không giảm nên gia đình đưa chú đến BV Ða khoa TP Cần Thơ. Suốt hơn 2 tháng với nhiều đợt chú nhập viện rồi xuất viện, các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, cắt lọc vết thương, cuối cùng, cứu được ngón chân. Chú Tuấn chia sẻ: “Hai tháng nay, tôi mất tinh thần, sợ mở khớp, tháo ngón. Nay vết thương lành, tôi mừng lắm. Cảm ơn BS Trân và các điều dưỡng rất nhiều”.
Cứu người bệnh khỏi tàn phế
BS CKII Lưu Ngọc Trân, Trưởng khoa Nội tiết, BV Ða khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh đái tháo đường gây nhiều biến chứng, làm xơ vữa, tắc các mạch máu lớn, nhỏ trong cơ thể dẫn đến nhiều bệnh cấp tính và mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Biến chứng ở thần kinh ngoại biên khiến người bệnh mất cảm giác chân nên khi có vết thương không hay biết. Khoa Nội tiết BV Ða khoa TP Cần Thơ thời gian qua tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp biến chứng bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường, với tình trạng viêm loét ở mức độ từ trung bình đến nặng. Nhiều người từng điều trị ở BV tuyến huyện nhưng không đáp ứng nên vết thương chuyển nặng hơn.
Như trường hợp chú Tuấn, bóng nước ở ngón 3 bị bể, người bệnh chăm sóc không đúng cách, vết thương xâm lấn, ăn guồng xuống mu bàn chân. Bệnh nhân vào viện, bác sĩ Khoa Nội tiết phối hợp với bác sĩ ngoại khoa rạch vết thương lấy mủ, đặt máy áp lực âm, hút mô hoại tử, rửa sạch bên trong… Gần một tháng điều trị, chăm sóc, vết thương dần cải thiện. Bác sĩ tiếp tục điều trị bằng thuốc, kích mọc mô hạt do vết thương thiếu cơ. BS Trân chia sẻ: “Khâu lại được vết thương cho người bệnh là thành công rồi. Chúng tôi vui mừng khi giữ lại được ngón chân cho bệnh nhân”.
Khoa Nội tiết BV Ða khoa TP Cần Thơ là một trong những địa chỉ uy tín điều trị hiệu quả bàn chân biến chứng của bệnh nhân đái tháo đường. Theo BS CKII Lưu Ngọc Trân, quá trình học chuyên khoa tại TP Hồ Chí Minh, chị tiếp cận nhiều kỹ thuật hay và tích lũy kinh nghiệm điều trị bàn chân viêm loét, sau đó về triển khai quy trình tại Khoa Nội tiết. Tùy theo tình trạng, mức độ bệnh mà có cách xử lý, áp dụng phác đồ khác nhau; kể cả việc dùng băng gạc, dung dịch rửa vết thương, thuốc kích mọc mô, cũng liên quan đến hiệu quả điều trị. Ngoài ra, còn có sự phối hợp giữa các chuyên khoa, nội tiết với ngoại chấn thương, lồng ngực mạch máu. Ðặc biệt là công chăm sóc, cắt lọc của đội ngũ điều dưỡng, giúp vết thương tiến triển tốt, mau lành miệng.
BS Ngọc Trân khuyến cáo, để hạn chế biến chứng, ngay từ đầu, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết. Khi có biến chứng vết thương ở bàn chân, không nên tự ý rửa hay mua thuốc uống. Khi đi khám, nên đến cơ sở y tế hay bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Các bác sĩ sợ phải đoạn chi người bệnh. Nếu phải tháo ngón cái, người bệnh mất thăng bằng, dễ té ngã. Ngoài ra, tổn thương ở gót cũng cực kỳ nguy hiểm, vì da chỗ này rất dày, không thể ghép da, buộc đoạn chi lên đến gối nếu không cứu được.