(CTO) – Bé gái 9 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long bị đau bụng quanh rốn tái đi tái lại. Bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám, phát hiện nguyên nhân gây đau cho bé do trong túi mật chứa rất nhiều sỏi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi sau can thiệp lấy sỏi.
Kết quả chụp MSCT bụng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sỏi túi mật, viêm túi mật cấp; đồng thời theo dõi bệnh lý Hemoglobin. Trường hợp này rất hiếm gặp ở trẻ em và có nhiều nguy cơ khi túi mật viêm và căng to lúc phẫu thuật hoặc sỏi rơi, lọt vào đường mật gây ra tình trạng viêm và tắc nghẽn đường mật cấp tính.
Sau hội chẩn, ê-kíp tiến hành phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi cho bệnh nhi. Các bác sĩ lấy ra rất nhiều viên sỏi nhỏ trong túi mật của bệnh nhi.
Sau 4 ngày điều trị, bé ăn uống tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn định, hết đau bụng, hết đau vết mổ và không sốt. Kết quả điện di Hemoglobin chẩn đoán bé bị bệnh bẩm sinh β Thalasemie. Hiện tại chưa có chỉ định truyền máu hay thải sắt nên theo dõi định kỳ.
Theo BS CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long: Trẻ em rất ít bị sỏi túi mật; chỉ thường gặp sỏi sắc tố mật ở những trẻ có bệnh lý tán huyết hay sỏi cholesterol thường gặp ở trẻ béo phì. Bệnh sỏi túi mật thường tiến triển âm thầm, rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, khi sỏi kẹt cổ túi mật sẽ dẫn đến ứ đọng dịch mật, kết hợp với tình trạng nhiễm khuẩn gây viêm túi mật cấp, có thể dẫn đến áp xe hoại tử túi mật hoặc vỡ gây viêm phúc mạc mật.
Túi mật bệnh nhi có nhều sỏi. Ảnh: BV
Phương pháp ưu tiên hiện nay để điều trị sỏi túi mật là cắt túi mật nội soi, với nhiều ưu điểm như ít đau, người bệnh phục hồi vận động sớm, xuất viện sớm và thẩm mỹ so với mổ hở. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi sẽ gặp khó khăn nếu túi mật viêm dính gây trở ngại cho việc phẫu tích và nguy cơ tổn thương đường mật chính lúc mổ.
Những lưu ý khi trẻ bị sỏi túi mật thường có triệu chứng: Ăn không ngon, đau bụng nhiều sau ăn; đau ở giữa hoặc bên phải phần bụng trên; đau liên quan ở vai bên phải; đau ngực, buồn nôn và ói. Các giai đoạn đau cứ lặp đi lặp lại giống nhau. Vàng da (da và mắt có màu vàng) nếu sỏi kẹt cổ túi mật hay gây tắc nghẽn đường mật.
BS Yến Trang cũng khuyến cáo: Người bệnh khi phát hiện có sỏi túi mật không nên tự ý sử dụng các thuốc tác dụng tan sỏi bởi thuốc này có rất ít hiệu quả trong việc làm giảm kích thước hoặc mất hoàn toàn sỏi túi mật, chi phí lại rất tốn kém. Nên tới BV để thăm khám và kiểm tra định kỳ để điều trị hoặc phẫu thuật khi cần thiết.
THU SƯƠNG