Không tùy tiện mua kháng sinh trị đau mắt đỏ

Rate this post

Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan trong cộng đồng, phổ biến ở học sinh vào đầu năm học mới. Nhiều phụ huynh “lùng” mua các loại thuốc đặc trị, tự chữa cho con hoặc mua “thủ sẵn” trong nhà. Vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ cảnh báo, những hành vi sử dụng thuốc tùy tiện không đạt hiệu quả điều trị, thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Bác sĩ khuyến cáo, đừng tự ý sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ, nguy hại cho mắt. Ảnh BV cung cấp.

Gần đây, các loại thuốc gồm Tobrex và Tobradex được lan truyền về hiệu nghiệm trị đau mắt đỏ nên nhiều người đổ xô đi mua. Đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà thuốc còn bán theo combo kết hợp nhiều thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và bổ sung dưỡng chất, nâng cao thị lực.

BS Thạch Sa Mết, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: do virus, vi khuẩn và các tác nhân dị ứng khác. Theo nhiều nguyên cứu, khoảng 80% nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ là do virus (chủ yếu là Adeno virus và Entero virus). Bệnh thường có các triệu chứng: đỏ mắt, ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn và các triệu chứng siêu vi toàn thân. Bệnh có thể khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách. Việc chưa xác đinh được nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà tự ý mua thuốc về tự điều trị là không cần thiết.

BS Mết cho biết thêm, đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây, đa số biểu hiện lành tính. Tỷ lệ nhỏ để lại biến chứng nặng như viêm giác mạc, loét giác mạc, mất thị lực. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ đều tự khỏi mà không cần nhờ đến sự can thiệp của các loại thuốc. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng, ghèn đổi màu vàng, xanh,…) để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Hai loại thuốc nêu trên là kháng sinh, không có tác dụng với bệnh đau mắt đỏ có nguyên nhân do virus. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin,… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ trong trường hợp nghi bội nhiễm. Tốt nhất bệnh nhân nên đi thăm khám tại các cơ sở điều trị về nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.

Dược sĩ Nguyễn Đức Thiện, Trưởng khoa Dược BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ lưu ý thêm, thuốc nhỏ mắt Tobradex chứa nhóm corticosteroid rất nguy hiểm, vừa không có tác dụng mà còn gây tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Người dân không được tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh có chứa kháng viêm corticosteriod (Dexamethasone, hydrocortison, prednisolone, Flumetasone,…) khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nhóm thuốc này kìm hãm các phản ứng viêm của cơ thể, tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn khu trú ở kết mạc và giác mạc thuận lợi phát triển, gây ra biến chứng nặng hơn và tổn thương mắt vĩnh viễn.

Theo BS Thạch Sa Mết, mắt rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Các thuốc điều trị cho vùng mắt bắt buộc phải đạt chuẩn sạch tinh khiết. Không nên tự ý dùng các phương pháp dân gian đắp, xông rửa mắt. Khi bị đau mắt đỏ, các mạch máu vùng kết mạc cương tụ, dãn ra, việc chườm nóng càng làm cho mạch máu dãn thêm, làm vỡ mạch máu, xuất huyết kết mạc. Ngoài ra, đắp cỏ cây làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm thêm do chứa rất nhiều vi khuẩn, nấm, khiến bệnh năng thêm, khó điều trị.

* Bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ khuyến cáo quá trình điều trị bệnh đau mắt đỏ tại nhà:

– Lau rửa ghèn ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông. Lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

– Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

– Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

– Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước. Cha mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

– Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.

– Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

– Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

– Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…

– Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

* Những biện pháp ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ lây lan:

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

– Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

– Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …