Nhạy cảm thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Rate this post

AN NHIÊN (Theo MedicalNewsToday, Study Finds)

Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng, các nhà khoa học Mỹ vừa cảnh báo sự nhạy cảm khi tiếp xúc các chất gây dị ứng từ thực phẩm có thể là yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Nhiều người nhạy cảm với một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như sữa bò.

Nhiều người nhạy cảm với một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như sữa bò.

Theo Viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ, nhạy cảm với thực phẩm (hoặc không dung nạp thực phẩm) thường bị nhầm lẫn với tình trạng dị ứng thực phẩm. Sự khác biệt quan trọng là dị ứng thực phẩm liên quan đến hệ miễn dịch, trong khi nhạy cảm với thực phẩm thường liên quan đến hệ tiêu hóa. Một điểm khác biệt nữa là dị ứng với thực phẩm có thể đe dọa tính mạng nếu người bệnh có phản ứng gọi là sốc phản vệ. Trái lại, nhạy cảm với thực phẩm thường không đe dọa đến tính mạng nhưng gây khó chịu cho người bệnh.

Tình trạng nhạy cảm với thực phẩm diễn ra khi cơ thể không thể phân hủy và tiêu hóa thức ăn đúng cách, thể hiện qua một số triệu chứng như: đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chuột rút, táo bón. Một số loại thực phẩm phổ biến gây ra tình trạng không dung nạp bao gồm: chế phẩm từ sữa, thực phẩm chứa gluten, caffeine, sôcôla, cà chua, trứng, dâu tây, trái cây họ cam quýt, rượu vang, các phụ gia thực phẩm và chất điều vị.

Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng một số dạng dị ứng thực phẩm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, nhưng tình trạng nhạy cảm với thực phẩm thì chưa được xác định là yếu tố góp phần gây ra bệnh tim mạch. Ðể tìm hiểu mối liên hệ này, các chuyên gia tại Ðại học Bắc Carolina đã tiến hành điều nghiên kết quả từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES) và Nghiên cứu đa chủng tộc về xơ vữa động mạch (MESA).

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phân tích dữ liệu của tất cả 5.374 người tham gia. Cụ thể, NHANES có 4.414 người từ 20 tuổi trở lên, đã xét nghiệm kháng thể IgE và được theo dõi tối đa 19 năm. MESA có 960 người từ 45-84 tuổi, không mắc bệnh tim mạch lúc bắt đầu nghiên cứu, cũng đã xét nghiệm kháng thể IgE và được theo dõi tối đa 14 năm. Theo các chuyên gia, xét nghiệm IgE dùng đo độ nhạy cảm với các thực phẩm như sữa bò trứng, đậu phộng, tôm, hội chứng alpha-gal (có phản ứng dị ứng sau khi ăn thịt động vật, đặc biệt là thịt đỏ), hoặc dị ứng với mạt bụi, dị ứng phấn hoa/cỏ. Trong thời gian nghiên cứu, có 285 trường hợp tử vong liên quan đến tim mạch.

Qua phân tích, các chuyên gia phát hiện nhạy cảm với ít nhất một loại thực phẩm cũng có liên quan đáng kể đến tỷ lệ tử vong do tim mạch. Trong đó, nhạy cảm với sữa bò mang đến nguy cơ cao nhất, lý do có thể là vì hầu hết mọi người đều tiêu thụ nhiều sữa bò trong chế độ ăn hàng ngày. Theo nhóm nghiên cứu, mức độ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do nhạy cảm với thực phẩm có thể tương đương với nguy cơ do hút thuốc, tiểu đường và viêm khớp dạng thấp gây ra.

Tuy chưa rõ cơ chế đằng sau mối liên hệ giữa nhạy cảm với thực phẩm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hệ vi khuẩn đường ruột có thể đóng một vai trò trong đó. Trước đó, một nghiên cứu được công bố năm 2022 chỉ ra rằng sự tương tác giữa hệ vi sinh vật đường ruột và vật chủ là con người xảy ra thông qua sự tương tác của chế độ ăn uống với hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến việc sản xuất các chất chuyển hóa có thể dẫn tới bệnh tim.