Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí JAMA Network Open, các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định tiêu thụ nước có gas chứa đường có liên quan đến tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên trên toàn cầu và đánh thuế nước ngọt có thể giảm mức độ tiêu thụ thức uống kém lành mạnh này.
Ðể đưa ra kết luận trên, nhóm chuyên gia tại Viện An toàn vệ sinh lao động Quốc gia Nhật Bản đã phân tích các cuộc khảo sát trong trường học tại 107 quốc gia, gồm cả những nước đã áp thuế hoặc không áp thuế đối với nước ngọt. Trong các khảo sát, 405.528 học sinh đã được hỏi về mức tiêu thụ “nước ngọt” hằng ngày của mỗi người, cũng như lượng trái cây và rau củ. Các chuyên gia xác định “nước ngọt” là các thức uống có gas chứa đường, đến từ các thương hiệu nổi tiếng hoặc không có thương hiệu.
Kết quả phân tích cho thấy ở hầu hết các nước, tiêu thụ nước ngọt làm tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì trong thanh thiếu niên trung bình 12%. Bên cạnh đó, lượng nước ngọt tiêu thụ hằng ngày cứ tăng lên mỗi 10% thì tương ứng nguy cơ thừa cân và béo phì của thanh thiếu niên tăng thêm 3,7%. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu còn phát hiện biện pháp đánh thuế đối với nước ngọt dường như có hiệu quả trong việc làm giảm mức độ tiêu thụ đồ uống này. Chẳng hạn, khả năng tiêu thụ nước ngọt hằng ngày ở những nước có đánh thuế thấp hơn những nước không đánh thuế thức uống này, tương ứng 30,2% và 33,5%.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị chính phủ các nước, đặc biệt là những nước thu nhập thấp và trung bình, phải hành động bằng cách thực hiện áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm hạn chế tốc độ tăng trưởng của cái mà họ gọi là “đại dịch béo phì”.
ĐINH NHI (Theo Study Finds)