Bài, ảnh: H.HOA
Với bệnh mãn tính, thần kinh, cơ xương khớp, việc điều trị bằng y học cổ truyền đem lại hiệu quả lâu dài, ít tác dụng phụ, ít tốn kém cho người bệnh. Thành lập từ năm 2013, đến nay, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã trở thành địa chỉ tin cậy được người dân địa phương và những khu vực lân cận như tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… tìm đến.
Châm cứu cho người bệnh tại Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng.
Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng có 5 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên. Các thầy thuốc vừa làm công tác khám ngoại trú vừa điều trị nội trú. Hằng ngày với 3 bàn khám, khoa khám trên 100 bệnh nhân; trong đó khoảng 50% điều trị bằng y học cổ truyền. Với 10 giường bệnh được phân bổ, khoa luôn trong tình trạng quá tải. Với những bệnh nhân ở gần trung tâm, điều kiện đi lại dễ dàng, bệnh nhân chọn điều trị ngoại trú. Khoa được trang bị thiết bị khá đầy đủ như: thiết bị kéo giãn cột sống thắt lưng, cổ; siêu âm; laser; hồng ngoại; sóng ngắn; từ trường; điện trường cao áp; máy kích thích liền xương; châm cứu… Nhờ đó, hầu hết các phương pháp, kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền đều được các thầy thuốc trong khoa triển khai điều trị cho người bệnh.
Chị Dương Thị Thanh Thủy, ở phường Phú Thứ, nuôi mẹ bị thần kinh tọa, kể: “Trước đó, tôi bị thoái hóa cột sống cổ, không ngủ được, không ngước cổ lên được. Ðiều trị tây y hết đau rồi tái lại, nên tôi chuyển sang điều trị bằng y học cổ truyền. Bác sĩ kết hợp thuốc uống, châm cứu… sau 2 tuần là khỏi gần như hoàn toàn, ngủ được. Hiệu quả điều trị tốt mà còn ít tốn kém, nên lần này mẹ tôi bị đau thần kinh tọa, đau lan xuống hai chân, tôi đưa mẹ đến đây điều trị”.
Chú Trương Văn Mùi, 69 tuổi, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, đến trung tâm châm cứu, nói: “Tôi bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm gần 10 năm nay, điều trị nhiều nơi bằng tây y nhưng không lâu sau lại tái phát. Bệnh tôi không phẫu thuật được vì nặng quá, biến chứng nguy hiểm nên tôi chuyển sang điều trị bằng y học cổ truyền. Lúc mới điều trị 2 tuần, uống thuốc, châm cứu chỉ giảm từ từ. Sau đó, tôi kiên trì thêm 2 tuần nữa thì giảm đau, nhức rất nhiều, đi lại gần như bình thường. Bác sĩ cũng tư vấn bị bệnh này không nên làm nặng”.
Nhân viên y tế Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng vận hành máy từ trường điều trị suy giãn tĩnh mạch cho bệnh nhân.
Theo BS Phạm Văn Vẻ, Trưởng Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, các bác sĩ ở khoa điều trị đông tây y kết hợp. Nếu bệnh nào điều trị tây y tốt hơn thì chọn tây y, bệnh nào mãn tính, thần kinh, cơ xương khớp như liệt ½ người sau tai biến, đột quỵ, liệt ngoại biên, đau nhức ở người già… thì chọn y học cổ truyền, điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân. Lợi ích của phương pháp không dùng thuốc là không có tác dụng phụ, hiệu quả lâu dài, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nhược điểm là bệnh nhân phải kiên trì, điều trị từ từ mới thấy hiệu quả.
BS Phạm Văn Vẻ cho biết: “Bệnh nhân chiếm phần lớn là người có kinh tế trung bình, thậm chí nghèo, cận nghèo, vì thế các bác sĩ thường chỉ định các kỹ thuật, thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán, hạn chế cho bệnh nhân mua thuốc ngoài hay sử dụng các kỹ thuật ngoài danh mục để đỡ tốn kém cho người bệnh”.
Nhờ đội ngũ nhân viên y tế tận tình, trang thiết bị đầy đủ, tiếng lành đồn xa, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng trở thành địa chỉ tin cậy trong điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, kết hợp đông tây y. Trong thời gian tới, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng sẽ triển khai thêm kỹ thuật cấy chỉ để ngày càng phục vụ tốt hơn cho người bệnh.