Phòng ngừa nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu

Rate this post

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) – tình trạng hình thành cục máu đông tại vùng tĩnh mạch sâu, thường là ở chân hoặc vùng chậu – là bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn có thể dẫn tới thuyên tắc phổi và gây tử vong. Do vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị mọi người cần chú ý đề phòng nguy cơ hình thành cục máu đông và bệnh DVT.

Mang vớ y khoa là một cách phòng ngừa DVT hiệu quả.

6 nguyên nhân phổ biến gây ra DVT

+ Tổn thương mạch máu. Khi bị thương và chảy máu, phản ứng tự nhiên của cơ thể là kích hoạt cơ chế đông máu. Theo đó, các tế bào vùng bị tổn thương gửi tín hiệu hóa học để tập hợp tiểu cầu và các sợi fibrin bao phủ vết thương nhằm ngăn mạch máu chảy máu thêm. Sau khi tạo thành cục máu đông để cầm máu, hệ miễn dịch cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế chữa lành và các yếu tố trong máu bắt đầu phân giải cục máu đông. Nếu phân giải không hết, cục máu đông sẽ tồn tại trong mạch máu một cách nguy hiểm.

+ Lưu thông máu chậm. Khi máu di chuyển quá chậm, các tiểu cầu dính lại với nhau và tạo thành cục máu đông. Vì điều này xảy ra bên trong mạch máu nên rất nguy hiểm. Chẳng hạn, khi cục máu đông di chuyển tự do và mắc kẹt trong phổi, nó sẽ gây tắc mạch phổi (PE), cũng như có thể gây đột quỵ tim hoặc não nếu bị kẹt trong các cơ quan này. Có nhiều nguyên nhân làm máu lưu thông chậm, gồm: thói quen ngồi quá lâu, ì vận động, nằm lâu sau phẫu thuật.

+ Phẫu thuật. Biện pháp chữa bệnh này cũng làm tổn thương mạch máu, kích hoạt việc giải phóng các yếu tố đông máu và có thể tạo thành huyết khối. Bởi trong quá trình phẫu thuật, mô, mỡ hoặc các mảnh vụn khác có thể hòa vào dòng máu. Khi đó, cơ thể sẽ kết đông máu xung quanh các vật lạ và tăng nguy cơ hình thành huyết khối.

+ Mang thai và sinh con. Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị cục máu đông cao gấp 5 lần so với bình thường. Sở dĩ khả năng đông máu của phụ nữ tăng lên sau khi mang thai là vì cơ thể chuẩn bị cho việc hạn chế mất nhiều máu khi chuyển dạ và sinh con. Ngoài ra, áp lực mà thai nhi đè lên các mạch máu vùng chậu cũng làm giảm lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành huyết khối.

Nguy cơ hình thành cục máu đông cũng tăng lên trong 3 tháng đầu sau khi sinh, do người mẹ hạn chế vận động.

+ Ung thư. Cứ 5 bệnh nhân DVT thì có 1 trường hợp là do mắc ung thư. Nguyên nhân là vì các tế bào tổn thương vì ung thư đã kích hoạt quá trình đông máu. Người mắc ung thư tuyến tụy và ung thư phổi dễ có nguy cơ hình thành cục máu đông, trong khi ung thư di căn được xem là một yếu tố nguy cơ tạo thành huyết khối. Một số loại thuốc trị ung thư cũng có liên quan đến việc hình thành cục máu đông như L-asparaginase, thalidomide, tamoxifen…

+ Thuốc ngừa thai. Các loại thuốc tránh thai chứa desogestrel, dienogest, gestodene và drospirenone làm tăng nguy cơ đông máu hơn các loại thuốc tránh thai khác. Nguy cơ hình thành cục máu đông khi dùng thuốc ngừa thai cao hơn ở phụ nữ trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch máu, hút thuốc và thừa cân.

Các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết DVT

Ngoài 6 nguyên nhân phổ biến nói trên, nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng rủi ro mắc DVT gồm tuổi tác (trên 40 tuổi), giới tính (phụ nữ trước mãn kinh), bệnh sử gia đình, béo phì, tiểu đường, mắc một số bệnh nhất định (bao gồm bệnh tim, thận, Crohn’s, viêm loét đại tràng).

Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng hình thành cục máu đông ở chân gồm: sưng chân, đau khi đụng vào chân, cảm giác nóng rát hoặc xuất hiện vùng da ửng đỏ hoặc tái xanh ở chân. Thông thường, cục máu đông sẽ tự tan sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, cục máu đông ở chân có thể diễn tiến thành biến chứng nguy hiểm là thuyên tắc phổi, với những triệu chứng có thể quan sát được như hụt hơi, đau ngực, ho ra máu. Do đó, người bệnh cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, kẻ cả dùng thuốc tan huyết khối.

Những biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc DVT

Ðể phòng ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông sau phẫu thuật hoặc sinh nở, người bệnh cần cố gắng di chuyển trong khả năng cho phép, cũng như tăng cường tập luyện để nâng cao sức mạnh cho đôi chân và cải thiện tuần hoàn máu ở chân. Ngoài ra, mang vớ y khoa hoặc sử dụng thiết bị tạo áp lực lên bắp chân cũng giúp cải thiện lưu lượng máu. Riêng những người có nguy cơ đông máu cao sau phẫu thuật có thể được kê đơn thuốc chống đông máu để ngăn ngừa DVT.

Do DVT có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nên các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần chủ động phòng ngừa bằng cách tránh ngồi quá lâu, nên đứng dậy và đi lại sau khi ngồi 1-2 tiếng; siêng đổi tư thế ngồi và tránh bắt chéo chân khi ngồi; thường xuyên duỗi, co đầu gối và mắt cá chân để bơm máu đều chân; tránh mặc quần áo quá bó sát.

AN NHIÊN (Theo Verywell Health)

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Mẹ bị Alzheimer, con có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo phát hiện mới của Tạp chí JAMA Neurology, mẹ mắc Alzheimer có nguy cơ …