(CTO) – Thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, thống kê 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng bệnh sốt huyết nhập viện tăng 3,78 lần (trong đó sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5,5 lần) so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 2 trường hợp tử vong.
Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có biểu hiện điển hình là sốt cao kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn,… Các dấu hiệu chuyển nặng: Đau bụng dữ dội, ói ra máu; nôn mửa liên tục; chảy máu lợi, chân răng; thở gấp; mệt mỏi, bồn chồn; da lạnh ẩm.
Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh T Sương.
BS Cẩm Trinh cho biết, những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết trở nặng do tự ý dùng thuốc ibuprofen và aspirin hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa. Nhiều trường hợp tự ý tăng liều hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận… Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại. Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, thân nhiệt giảm không có nghĩa người bệnh đang hồi phục.
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết. Tốt nhất khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần chủ động, nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý điều trị sốt xuất huyết. Trường hợp nhẹ, được bác sĩ cho theo dõi tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol đúng cách để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Khi có dấu hiệu trở nặng, đến ngay BV.
THU SƯƠNG