Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công một viên thuốc “thông minh” có thể theo dõi nhịp tim và hô hấp, mở ra triển vọng giúp phát hiện các dấu hiệu suy hô hấp khi sử dụng thuốc quá liều và đặc biệt hữu ích cho các nghiên cứu cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ở các nghiên cứu về giấc ngủ (được tiến hành trong phòng thí nghiệm và tại nhà), những người tham gia bắt buộc phải đeo các cảm biến quanh vùng đầu, thái dương, ngực và phổi hoặc họ cũng có thể đeo ống thông mũi, đai ngực và máy đo nồng độ ôxy trong máu. Những hệ thống này thường khá cồng kềnh, gây bất tiện và khó chịu cho cả người tham gia lẫn chuyên gia.
Trong khi đó, viên thuốc được sáng chế bởi công ty mới khởi nghiệp Celero Systems – do các nhà nghiên cứu tại tại Viện Công nghệ Massachusetts và Ðại học Harvard (Mỹ) điều hành – sử dụng công nghệ cảm biến đầu tiên có thể nuốt được đã được cấp phép dùng trên người. Viên nang này chứa 2 cục pin nhỏ và một ăng-ten sử dụng mạng không dây để truyền dữ liệu, cho phép nó di chuyển qua đường tiêu hóa và thu thập tín hiệu khi nó yên vị trong dạ dày.
Nhờ sự tiện lợi đó, những người tham gia các nghiên cứu về giấc ngủ chỉ cần nuốt viên thuốc và ngủ một đêm ở phòng thí nghiệm, viên thuốc sẽ ghi lại nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ và hoạt động ở dạ dày. Không chỉ vậy, cảm biến trong viên thuốc “thông minh” cũng có thể phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ ở những người tham gia trong quá trình thử nghiệm.
Nghiên cứu cho thấy thiết bị có khả năng đo lường các chỉ số sức khỏe hiệu quả tương đương thiết bị y tế tại trung tâm nghiên cứu giấc ngủ. Ðiều quan trọng là viên thuốc không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào và được thải ra ngoài an toàn sau 1-2 ngày. Ðể tăng thời gian theo dõi của thiết bị, các chuyên gia đang cải tiến thiết kế để viên nang lưu lại trong dạ dày đến một tuần.
Các nhà khoa học đánh giá viên thuốc “thông minh” này cũng có tiềm năng rất lớn trong việc hỗ trợ các bác sĩ xác định khi nào bệnh nhân dùng thuốc quá liều. Thậm chí, thiết bị có thể chứa sẵn thuốc bên trong và giải phóng thuốc từ từ khi cảm biến ghi nhận nhịp thở của bệnh nhân chậm lại hoặc ngừng hẳn.
HUY MINH (Theo Engadget)