AN NHIÊN (Theo CNN, The Sun)
Bộ não là cơ quan phức tạp nhất trong cơ thể, kiểm soát mọi hoạt động từ thể chất đến tinh thần. Tuy nhiên, do tác động của môi trường sống và lối sống, một số thói quen thường ngày có thể đang ngầm hủy hoại chức năng bộ não, đòi hỏi chúng ta cần cảnh giác và sớm khắc phục.
Ảnh: The Sun
+ Lối sống tĩnh tại. Việc ngồi lì một chỗ không tốt cho cả cơ thể và não bộ. Giáo sư khoa học thần kinh người Anh Hana Burianová khuyên mọi người nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 30 phút hoặc cường độ cao 15 phút mỗi ngày. “Vận động tích cực làm tăng nhịp tim, giúp bơm nhiều ôxy hơn lên não, hỗ trợ giải phóng hoóc-môn, tạo môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của các tế bào não mới” – bà Burianová giải thích. Một số hình thức vận động đặc biệt tốt cho trí não gồm: chạy bộ, bơi lội, HIIT, đạp xe và đi bộ. Kết hợp các bài tập aerobic và rèn luyện sức mạnh hằng tuần có thể giúp sức khỏe não bộ được tối ưu.
+ Nghiện ăn vặt. Các loại thực phẩm siêu chế biến, chứa nhiều đường, chất béo xấu và hợp chất khác (như thịt chế biến sẵn, bánh ngọt, thức uống có gas và thực phẩm đóng gói) đều gây hại sức khỏe não bộ. Những thức ăn chứa nhiều muối dễ tàm tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ gây mất trí nhớ ở người lớn tuổi, trong khi thực phẩm nhiều đường có thể thúc đẩy quá trình viêm và căng thẳng ôxy hóa, tổn hại tế bào não. Chúng cũng ảnh hưởng việc điều tiết insulin, gây mất cân bằng đường huyết, chi phối tâm trạng và khả năng tập trung. Lời khuyên của chuyên gia là nên theo đuổi chế độ ăn thân thiện với não bộ, gồm nhiều rau quả, các loại hạt và đậu, dầu ôliu và cá béo.
+ Sống cô đơn. Theo Giáo sư Burianová, thiếu tương tác xã hội trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tính linh hoạt của thần kinh, vốn bị chậm lại nếu không có kích thích mới. Để bảo vệ não bộ, bạn nên thường xuyên gặp gỡ người thân và bạn bè, cũng như cố gắng tương tác với người khác mỗi ngày.
+ Ôm đồm nhiều việc. Làm nhiều việc cùng lúc trong thời gian dài dễ khiến đầu óc quá tải, kém nhạy bén, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng tinh thần (stress) – đều là những yếu tố làm suy yếu chức năng não bộ. Khi thấy quá tải vì nhiều việc, hãy viết ra những việc cần làm và hoạch định thời gian để giải quyết từng việc.
+ Thường xuyên uống nhiều rượu. Đây là thói quen tổn hại nghiêm trọng sức khỏe bộ não. Chẳng hạn, chứng mất trí liên quan đến rượu (ARBD) là tình trạng não bị tổn thương có thể dẫn đến các vấn đề về tâm trạng, trí nhớ, sự cân bằng và sự đồng cảm. Tốt nhất là tránh xa thức uống có cồn để bảo vệ sức khỏe tâm thần.
+ Tiếp xúc với người độc hại. Việc tiếp xúc với một người hay thao túng tâm lý, kích động hoặc cố gắng kiểm soát cảm xúc người khác không tốt cho bộ não của bạn. Tình trạng này có thể dẫn đến stress mãn tính, lo lắng, trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, thiếu linh hoạt về tinh thần, lão hóa nhanh hơn và dễ mắc các bệnh tự miễn.
+ Chỉ ăn cá béo. Theo một nghiên cứu, ăn cá béo 2 lần/tuần giúp làm giảm 41% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, vì chúng giàu axít béo thiết yếu omega-3. Nhưng ngoài cá béo, chuyên gia khuyên chúng ta nên đa dạng hóa nguồn cung omega-3 để tối ưu hóa lợi ích của chất béo này, chẳng hạn từ trái bơ, hạt (hạnh nhân, óc chó), dầu hạt lanh và dầu ôliu.
+ Không quan tâm bổ sung vitamin B. Thiếu vitamin B có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và mắc bệnh Alzheimer. Đó là lý do chúng ta cần bổ sung dưỡng chất này, vốn có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, các loại đậu.
+ Dùng tai nghe với âm lượng lớn. “Tất cả thông tin âm thanh đều được truyền tới não, vì vậy, nếu làm hỏng các tế bào thính giác ở tai trong bằng âm thanh lớn liên tục thì sẽ không có thông tin nào được gửi đến mạng não và chúng ta sẽ bị điếc” – Giáo sư Burianová cảnh báo.
+ Xem tin tức ngay khi thức dậy. Giáo sư Burianová cho biết bộ não sẽ phản ứng và điều chỉnh theo các sự kiện căng thẳng và tiêu cực. Do đó, thay vì cầm điện thoại lướt mạng và xem tin tức ngay khi thức dậy, bạn hãy uống một ly nước, tắm và dùng bữa sáng để đầu óc được thảnh thơi khi bắt đầu ngày mới.
Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí JAMA Network Open, những người bị stress nặng dễ bị suy giảm chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, tập trung và học hỏi những điều mới. Cụ thể, sau khi yêu cầu hàng nghìn người tham gia (từ 45-98 tuổi) tự đánh giá mức độ stress, các chuyên gia đối chiếu với kết quả đánh giá thường xuyên chức năng nhận thức của họ trong hơn một thập kỷ. Nhóm nghiên cứu phát hiện những người có mức độ stress cao dễ mắc các yếu tố nguy cơ về tim mạch và các yếu tố về lối sống kém lành mạnh. Sau khi loại trừ những yếu tố nguy cơ do thể chất, những người bị stress nặng cũng có tỷ lệ suy giảm chức năng nhận thức cao hơn 37% so với những người không bị stress. |