Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Natural Medicine, 3 yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2 gồm ăn ít ngũ cốc nguyên hạt, ăn quá nhiều ngũ cốc tinh chế và thịt chế biến sẵn (như thịt xông khói, xúc xích…).
Kiểm soát calo tiêu thụ có thể giảm nguy cơ ung thư do béo phì.
Kết luận trên được các chuyên gia tại Ðại học Tufts (Mỹ) đưa ra sau khi phát triển một mô hình nghiên cứu về chế độ ăn uống trong giai đoạn 1990-2018 và áp dụng tại 184 quốc gia. Kết quả cho thấy so với năm 1990, thế giới có thêm 8,6 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 do có chế độ ăn uống không tốt cho sức khỏe vào năm 2018. Nhóm nghiên cứu ước tính, cứ 10 ca tiểu đường tuýp 2 thì có 7 ca là do lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh.
Các chuyên gia phát hiện trên phạm vi toàn cầu, “ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh” dễ dẫn đến tiểu đường tuýp 2 hơn là “không ăn thực phẩm lành mạnh”, và nguy cơ này đặc biệt cao hơn ở nam so với nữ, ở người trẻ so với người lớn tuổi và ở thành thị so với nông thôn. Cụ thể, hơn 60% số ca tiểu đường tuýp 2 liên quan chế độ ăn uống là do 6 thói quen ăn uống “gây hại” bao gồm: ăn quá nhiều gạo, lúa mì và khoai tây tinh chế; ăn nhiều thịt đỏ; dùng quá nhiều thức uống chứa đường và nước ép trái cây. Trong khi đó, ít tiêu thụ 5 nhóm thực phẩm “có lợi” – gồm trái cây, rau củ không chứa tinh bột – đường, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và sữa chua – chỉ chiếm khoảng 39% số ca mắc mới.
Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia tại Ðại học Tufts phát hiện việc kiểm soát lượng calo trong mỗi bữa ăn có thể giúp giảm đáng kể số ca tử vong vì ung thư liên quan đến béo phì.
Cụ thể, sau khi phân tích dữ liệu khảo sát dinh dưỡng quốc gia và thống kê về ung thư được thu thập từ những người trên 20 tuổi, các chuyên gia phát hiện các bữa ăn tại nhà hàng chiếm 1/5 lượng calo mà người trưởng thành tiêu thụ và thường chứa thêm đường cũng như chất béo bão hòa – yếu tố nguy cơ gây béo phì. Ðáng chú ý, tăng cân quá mức có liên quan đến 13 dạng ung thư. Cụ thể, số ca ung thư liên quan đến béo phì chiếm khoảng 40% tổng số trường hợp mắc mới và gần 50% chi phí chăm sóc ung thư.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, nếu người tiêu dùng giảm tiêu thụ từ 20-60 calo/bữa ăn tại các hàng quán, thì mức giảm này đủ ngăn ngừa 28.000 ca mắc ung thư và 16.700 ca tử vong, đồng thời giúp nền kinh tế Mỹ tiết kiệm 2,8 tỉ USD chi phí chăm sóc y tế. Từ phát hiện mới, các tác giả khuyến khích mọi người ưu tiên nấu ăn tại nhà với các thực phẩm có lợi cho sức khỏe và chọn thức ăn ít calo khi dùng bữa ở ngoài hàng quán.
AN NHIÊN (Theo CNN, Study Finds)