Báo động bệnh tay chân miệng nặng tăng

Rate this post
H.HOA

Gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu tăng. Đáng lưu ý là đã xuất hiện chủng EV 71. Chủng này làm bệnh lây lan nhanh, nhiều biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.

Chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi

Sở Y tế, CDC Cần Thơ kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: CTV

Sở Y tế, CDC Cần Thơ kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: CTV

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến 20-6-2023, TP Cần Thơ ghi nhận 442 ca bệnh, giảm 469 ca so với cùng kỳ 2022. TCM mắc ở các lứa tuổi nhưng nhóm trẻ dưới 3 tuổi vẫn là chủ yếu, chiếm gần 74%; kế đến là nhóm trẻ từ 3-5 tuổi, chiếm 14%. TCM mắc chủ yếu là độ 1 và độ 2a. Đáng lưu ý là số ca độ 2b và độ 3 tăng so với cùng kỳ năm 2022 và ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn).

BS Lê Phúc Hiển, Phó khoa phụ trách Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch y tế quốc tế (CDC Cần Thơ) cho biết, tuy số ca TCM thấp hơn cùng kỳ năm 2022 nhưng tính theo tuần thì số ca bệnh có xu hướng tăng nhanh. Tuần thứ 22 (của tháng 6) là 17 ca, tuần 23 là 42 ca và tuần thứ 24 lên đến 79 ca.

Các biện pháp triển khai dập dịch TCM gồm: tăng cường giám sát ca bệnh và xác minh ổ dịch TCM, điều tra xử lý và cập nhật trên hệ thống trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca bệnh hoặc ổ dịch TCM. Sau khi nhận thông tin ca bệnh hay ổ dịch hàng ngày từ CDC, địa phương tiến hành xác minh trong vòng 48 giờ, thu thập gửi mẫu bệnh phẩm ca bệnh từ độ 2b trở lên để gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông về các dấu hiệu bệnh và dấu hiệu chuyển nặng.

Xuất hiện chủng EV 71

BS Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: Bệnh TCM do virus đường ruột gây ra, lây từ người sang người. Hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV 71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Đặc điểm phát ban trong bệnh TCM là không đau, không ngứa, không loét. Nhiều trường hợp nặng, phát ban kín đáo nên rất dễ bị bỏ sót. Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày. Giai đoạn khởi phát: 1-2 ngày với biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, ho, tiêu chảy vài lần/ngày… Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các biểu hiện như loét miệng, phát ban dạng bóng nước, sốt nhẹ. Nếu nôn, sốt cao dễ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Giai đoạn lui bệnh: thường 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Nhân viên y tế lưu ý nếu bạch cầu >16.000/mm3 hay đường huyết >160 mg% (8,9 mmol/l) thường liên quan đến biến chứng.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng. Việc điều trị gồm theo dõi sát, phát hiện sớm, phân độ đúng và điều trị phù hợp. Đối với trường hợp nặng phải đảm bảo xử trí theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu.

Với trẻ mắc độ 1, điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại y tế cơ sở, tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Hướng dẫn người chăm sóc trẻ: Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu chuyển độ từ độ 2a trở lên như: Sốt cao ≥390C; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê.

BS Trần Huỳnh Việt Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ lưu ý các biến chứng thần kinh: trẻ giật mình, chới với, run chi, run thân, đi đứng loạng choạng. Với chủng EV 71 thường sang thương da rất kín đáo, cần khám, quan sát thật kỹ. Việt Nam ghi nhận 3 đợt dịch TCM lớn vào năm 2011, 2012 và 2018. Trong đó năm 2011 là lớn nhất, với số ca nặng và tử vong nhiều nhất. Năm nào có EV 71 là nguy cơ xuất hiện ca nặng, tử vong. Nếu không phải EV 71 thì TCM gần như nhiễm siêu vi, sốt phát ban thông thường.

BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC TP Cần Thơ, đề nghị tăng cường truyền thông trong các trường mầm non, mẫu giáo. Trạm Y tế lồng ghép truyền thông cho bà mẹ, người chăm sóc trẻ trong những đợt tiêm chủng mở rộng, uống vitamin A, cân trẻ… Các trung tâm y tế rà soát, thống kê lượng cloramin B hiện nay còn. CDC cấp thêm để cho các trường vệ sinh hàng tuần. Khi trẻ bị bệnh TCM thì các trường học nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày. Với trẻ điều trị ngoại trú, cơ sở y tế cần có tờ rơi hướng dẫn người chăm sóc trẻ những dấu hiệu cần theo dõi, cần nhập viện ngay. Ngoài ra, các cơ sở điều trị bệnh TCM tăng cường phòng, chống lây nhiễm chéo, tránh để trẻ bị TCM điều trị nội trú đi khắp nơi trong cơ sở điều trị, làm lây lan bệnh.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …