Cụ bà mắc đái tháo đường không chữa trị, gặp hàng loạt biến chứng

Rate this post

(CTO) – Cụ bà V. T. Đ (77 tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) không hay đã mắc bệnh đái tháo đường, nên không chữa trị, dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa tính mạng.

Qua xét nghiệm, các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phát hiện chỉ số đường huyết cụ bà tăng rất cao, ở mức 830mg/dl, gấp hơn 8 lần người bình thường (chỉ số đường huyết bình thường từ 70 – 100mg/dl).

Khi nhập viện cấp cứu, cụ bà có các triệu chứng sốt, ho, nôn ói, ăn kém, mệt mỏi, lừ đừ, chậm chạp, da khô, tĩnh mạch cổ xẹp, huyết áp thấp 90/60mmHg. Cụ bà có tiền sử tăng huyết áp, thoái hoá cột sống nhưng không đi khám, tự mua thuốc uống.

Bác sĩ thăm khám cho cụ bà trước khi xuất viện. Ảnh: BV

Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, cụ bà bị tăng đường huyết cấp, tăng áp lực thẩm thấu/đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hội chứng Cushing, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải, loãng xương, viêm dạ dày.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức tích cực và Chống độc điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ.

Sau 2 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát và tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tiết điều trị tiếp.

Tại Khoa Nội tiết, người bệnh được chuyển từ insulin truyền tĩnh mạch (bơm tiêm điện) sang tiêm dưới da, bù dịch, đánh giá tình trạng bệnh ổn định. Hiện cụ bà đã được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú, các thông số về đường huyết, chức năng gan, thận, điện giải, huyết động trở về bình thường.

BS CKI Lâm Thanh Danh, Phó trưởng Khoa Nội tiết, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Đây là trường hợp điển hình, phát hiện đái tháo đường trong bệnh cảnh biến chứng cấp, trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường trước đó không được chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao nếu không nhanh chóng xử trí kịp thời. Cụ bà có bệnh mạn tính, thay vì đi khám và được điều trị tầm soát bệnh lý liên quan thì cụ bà đã tự ý mua thuốc uống trong thời gian dài khiến phát hiện bệnh muộn, gây nhiều biến chứng cấp.

BS Danh cũng khuyến cáo với người lớn tuổi (trên 65 tuổi) có bệnh mạn tính, không được tự ý mua thuốc uống mà nên đi khám ở BV để được chẩn đoán, điều trị kịp thời đồng thời tầm soát các bệnh liên quan. Những bệnh nhân đái tháo đường cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám, tầm soát biến chứng định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc tiêm Insulin và thuốc uống.

Với người mắc đái tháo đường, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám lại và điều chỉnh thuốc. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường phải thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, đặc biệt phải khám tầm soát định kỳ 6 – 12 tháng/lần tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh sớm và những biến chứng của bệnh đái tháo đường.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …