Ăn bao nhiêu là đủ, tập thể thao bao nhiêu là vừa?

Rate this post

Nhiều người than, “chỉ thở thôi cũng mập”, phản ánh tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Đáng lo ngại, thừa cân, béo phì với các bệnh mạn tính lại là “đôi bạn thân”, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Bữa ăn hợp lý hàng ngày là liều thuốc quý cho sức khỏe.

Bữa ăn hợp lý hàng ngày là liều thuốc quý cho sức khỏe.

Thống kê của ngành y tế, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nước ta tăng gấp đôi, tập trung ở các đô thị, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế. Theo TS.BS Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, các vấn đề sức khỏe thể chất có mối liên hệ trực tiếp với chế độ dinh dưỡng và vận động hàng ngày. Việc tăng cân là kết quả của chế độ ăn mất cân đối diễn ra trong thời gian dài, cho nên muốn thay đổi cũng cần có quá trình kiên trì can thiệp cả về dinh dưỡng và vận động theo hướng có lợi cho cơ thể.

Trước khi tìm đến bác sĩ, nhiều người thực hành các chế độ giảm cân triệt để như bữa ăn loại bỏ hoàn toàn chất tinh bột, chất béo hoặc thực hiện chế độ ăn gián đoạn, uống các loại thuốc giảm cân,… Trong khi đó, thành phần chính của tinh bột là carbohydrate, nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, nhờ các men và enzym trong hệ tiêu hóa chuyển hóa thành glucose, năng lượng giúp cơ thể hoạt động, bao gồm cả hoạt động của não bộ. Nếu ngừng ăn tinh bột, sẽ ảnh hưởng đến glucose cung cấp cho tế bào não, đường máu giảm xuống, gây kiệt sức, thậm chí ngất xỉu. Những người giảm cân loại bỏ tinh bột khỏi thực đơn, có xu hướng ăn nhiều thịt hơn để bù vào năng lượng thiếu hụt. Trong thịt có nhiều chất béo, dễ dẫn đến nguy cơ bị tăng mỡ máu hay bệnh gút… Người có bệnh mạn tính như đái tháo đường nếu loại bỏ hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn sẽ cực kỳ nguy hiểm, dễ bị hạ đường huyết. Lượng đường máu của người bệnh xuống quá thấp không có lợi cho quá trình điều trị bệnh hoặc gây khó khăn cho quá trình kiểm soát đường huyết.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ cân bằng năng lượng bao gồm: chất bột đường chiếm khoảng 60-65%, chất béo chiếm khoảng 20-25% và protein – chất đạm từ 15-20% trong tổng số năng lượng ăn vào. Bên cạnh đó, cân đối giữa các nguồn thức ăn từ động vật và thực vật. Sử dụng đa dạng các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể gồm chất bột đường, các loại hạt; thịt và hải sản, nhóm trứng và sản phẩm liên quan; sữa và chế phẩm từ sữa; nhóm rau củ quả… Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày phù hợp với tình trạng cơ thể và năng lượng tiêu hao.

Sữa và các chế phẩm từ sữa cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Sữa có hàm lượng dinh dưỡng cân đối, cần đưa vào khẩu phần ăn hàng ngày đối với cả người lớn và trẻ em. Tùy thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi, lựa chọn loại sữa và các chế phẩm từ sữa phù hợp.

Để giảm cân nặng một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, cần đảm bảo nguyên tắc năng lượng nạp vào nhỏ hơn năng lượng tiêu hao. Theo đó, thực hiện chế độ ăn cân bằng, cắt giảm năng lượng đồng thời tập luyện thể thao hợp lý. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mọi người cần thiết tập luyện nhẹ nhàng thông qua các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang từ 40 – 50 phút mỗi ngày. Trong tuần, tập luyện các hoạt động có cường độ vừa và nặng từ 2 – 3 buổi, tùy theo tình trạng sức khỏe.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …