Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đến từ Đại học Tulane (Mỹ) đã tiến hành phân tích dữ liệu của gần 403.000 người từ kho Biobank của Anh. Những người này không mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính, ung thư hoặc bệnh tim mạch ở thời điểm đầu của nghiên cứu. Họ cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về mức độ thêm muối vào thức ăn.
Ảnh: Getty Images
Trong thời gian theo dõi trung bình là 11,9 năm, có 13.120 người đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. So với những người “không bao giờ/hiếm khi” thêm muối vào thức ăn, những người “thỉnh thoảng”, “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” thêm muối có nguy cơ mắc bệnh cao hơn tương ứng là 13%, 20% và 39%.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thói quen ăn mặn kích thích mọi người ăn nhiều hơn, làm tăng nguy cơ thừa cân/béo phì và viêm nhiễm – hai trong số các yếu tố nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 2, cùng với ít hoạt động thể chất, tiền tiểu đường và tiền sử gia đình mắc bệnh. Nghiên cứu còn cho thấy việc ăn mặn có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) và tỷ lệ vòng eo/hông cao hơn.
“Chúng ta đã biết hạn chế muối có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng huyết áp, nhưng nghiên cứu này lần đầu tiên cho thấy giảm ăn mặn cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2” – chuyên gia Lu Qi kết luận trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings.
HẠNH NHÂN (Theo New Atlas)