Một đêm thiếu ngủ dễ dàng biểu hiện qua làn da: quầng thâm, nổi mụn, da tái nhợt, xỉn màu, viêm nhiễm… Nhưng mối liên hệ giữa giấc ngủ và làn da không chỉ là “con đường một chiều”, khi nghiên cứu mới chứng minh các vấn đề về da cũng gây ngủ kém.
Nghiên cứu mới, được trình bày tại Hội nghị Học viện Da liễu và Hoa liễu Châu Âu (EADV) năm 2023, đã phân tích dữ liệu từ hơn 50.000 người trưởng thành tại 20 quốc gia và phát hiện có tới 42% số người tham gia mắc bệnh ngoài da bị rối loạn giấc ngủ. Cảm giác ngứa, rát dường như ảnh hưởng đến giấc ngủ nhiều nhất.
Các chuyên gia xác định “bệnh ngoài da” là bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào ảnh hưởng đến da, bao gồm viêm da cơ địa hay bệnh chàm (eczema), vảy nến và thậm chí cả mụn trứng cá. Ngoài rối loạn giấc ngủ, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người đang có bệnh ngoài da còn đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, như: 81% cho biết thường xuyên cảm thấy mệt mỏi ngay khi thức dậy; 83% cảm thấy buồn ngủ suốt ngày; 58% có cảm giác ngứa ran ở mắt; 72% ngáp liên tục.
Theo bác sĩ da liễu Noreen Galaria – thành viên Hiệp hội Da liễu Mỹ (FAAD), tình trạng ngứa (như do chàm và vảy nến) ảnh hưởng đến giấc ngủ nhiều nhất. “Cảm giác ngứa ngáy tăng mạnh hơn vào ban đêm khi cơ thể dần hạ nhiệt để bắt đầu ru ngủ. Ðiều này có nghĩa là khi mọi người đang cố chìm vào giấc ngủ, nhiệt sẽ thoát qua da để làm mát cơ thể” – cô giải thích. Tuy nhiên, nhiệt lại là tác nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm da, làm tăng cảm giác ngứa và khiến người bệnh phải gãi, tạo ra một vòng luẩn quẩn khó ngủ.
Phải làm gì để khắc phục?
Ðiều đầu tiên là nếu bạn bị viêm da – đặc biệt là khi các triệu chứng của nó khiến bạn không thể có được một giấc ngủ ngon, hãy gặp bác sĩ da liễu để tìm ra phương pháp điều trị chính xác. Vì vấn đề da có mối liên hệ chặt chẽ với giấc ngủ, nên nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên thăm hỏi tình trạng giấc ngủ khi kiểm tra bệnh nhân da, và ngược lại.
Ðối với tình trạng ngứa da, ngoài xác định tác nhân gây ngứa, người bệnh cũng cần giữ cho hàng rào bảo vệ da luôn khỏe mạnh bằng các thành phần dưỡng ẩm, giàu lipid như ceramide, squalane, axit béo… Bác sĩ Galaria cũng khuyến nghị sử dụng máy tạo độ ẩm để da không bị khô và ngứa ngáy.
Cuối cùng, “điều quan trọng đối với người bệnh là phải có thói quen đi ngủ phù hợp để điều chỉnh nhịp sinh học” – cô Galaria lưu ý. Bắt đầu chế độ thư giãn ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ: Giảm ánh sáng trong phòng ngủ, đọc sách, tắm nước ấm, sử dụng thành phần hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên…
HOÀNG ÐIỂU (Theo Mindbodygreen)