Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Các chuyên gia y tế khẳng định, có mối liên quan mật thiết giữa sự gia tăng bệnh tim mạch với lối sống và chế độ ăn uống, vận động, môi trường ô nhiễm… Vấn đề dinh dưỡng từ bữa ăn hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Vì vậy, ăn đúng, ăn đủ, phù hợp sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, ngừa bệnh tim.
Bữa ăn rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Ảnh minh họa.
Giữa gà luộc và gà rán, muối và nước chấm, đường cát và đường kiêng, nước ngọt và nước ngọt không đường,… chúng ta nên chọn loại nào tốt cho sức khỏe? Đó là tiết mục hỏi – đáp chuyên gia trong chương trình truyền hình trực tuyến Bí mật trái tim khỏe từ bữa ăn hàng ngày do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức mới đây.
Theo hai chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, là TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, mặc dù cùng một món ăn, nhưng với cách thức chế biến khác nhau, sẽ ảnh hưởng lợi – hại trực tiếp lên cơ thể khác nhau. Về lâu dài, thói quen thực hành dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ bệnh tật, nhất là bệnh tim mạch.
Trước hết đối với món gà luộc và gà rán, theo BS Ngân Tâm, gà là món ăn lành tính, cung cấp lượng protein dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, gà luộc bổ dưỡng và tốt cho cơ thể hơn. Món gà rán từ các cửa hàng thường được chế biến từ chảo dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần, làm biến đổi dầu thành độc chất rất có hại cho cơ thể, là tác nhân gây nguy cơ cao bị béo phì, tim mạch, đái tháo đường và ung thư.
Với muối và nước chấm, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên cân nhắc, hạn chế sử dụng cả hai loại trên. Nhiều người lầm tưởng rằng, trong nước chấm, nước tương hay bột nêm, lượng muối thấp hơn so với muối ăn thông thường. Theo BS Ngân Tâm, qua kiểm nghiệm, một số sản phẩm nước chấm có hàm lượng muối cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lượng muối được công bố trên bao bì sản phẩm. Do vậy, người bệnh tim hay có nguy cơ mắc bệnh, cần thận trọng trong việc sử dụng các loại nước chấm trong bữa ăn hàng ngày để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Trái cây tươi và nước ép sinh tố: Trái cây rất tốt cho sức khỏe, nhưng tốt nhất nên ăn trái cây tươi, bao gồm cả chất xơ và nên bỏ thói quen chấm muối. Khi dùng nước ép, nhiều người thường thêm đường, nguy cơ gây dư thừa năng lượng, dẫn đến thừa cân, rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, sau khi ép, nếu không uống ngay, các vi chất dinh dưỡng trong nước ép sẽ bay hơi.
Nước ngọt và nước ngọt không đường: Lời khuyên của các chuyên gia, nước lọc, nấu chín để nguội mới là giải pháp tốt nhất cho cơ thể. Thành phần tạo ngọt trong các sản phẩm nước uống đóng chai đều chứa đường nhân tạo, không tốt cho sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, mọi người nên hạn chế và loại bỏ thói quen lạm dụng thức uống chứa đường công nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế, các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là thiếu hoạt động thể lực; chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều muối, chất béo và cholesterol, tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu; sử dụng rượu, bia và những chất kích thích khác ở mức độ nguy hại cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngày nay, lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch ở nước ta đã phát triển vượt bậc, ứng dụng nhiều tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, người bệnh tim sau khi được can thiệp, điều trị cũng cần chú ý, thay đổi chế độ dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe tốt, ngăn ngừa bệnh tái phát. BS Nguyễn Thượng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nhiều trường hợp đã đặt stent tái thông mạch điều trị tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân trở lại khỏe mạnh nhưng nguy cơ tái phát cao nếu không điều chỉnh chế độ ăn. Ngược lại, nếu bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn phù hợp, có thể kéo dài sức khỏe và tuổi thọ. Từ đó có thể thấy, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe mọi người nói chung, sức khỏe tim mạch nói riêng.
Cùng với những giải đáp về lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tim, mọi người cần: Kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng nếu thừa cân; không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn, giảm muối trong khẩu phần ăn; tập thể dục mỗi ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh lo âu căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống vui vẻ thanh thản. Ngoài ra, mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra chỉ số huyết áp và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim khác như đường máu, lipid máu.