Các cấp độ trầm cảm sau sinh

Rate this post

Sau cơn vượt cạn “mồ côi một mình”, sản phụ bị sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau. Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, đó là tình trạng thường gặp ở hầu hết sản phụ. Vì vậy, mỗi bà mẹ cần chủ động tinh thần để vượt qua, trong tháng đầu sau sinh và giai đoạn nuôi con nhỏ. Người thân và gia đình sản phụ cũng cần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để sản phụ hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ tư vấn cho sản phụ (ảnh minh họa). Ảnh: BV

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm sau sinh là một quá trình trải qua các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào tâm sinh lý của sản phụ. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc, ủ rũ, đến trầm cảm sau sinh và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh.

* Trạng thái khóc lóc và ủ rũ

Đa phần sản phụ gặp các triệu chứng: lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ buồn bã trong một, hai tuần đầu sau sinh. Theo các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ, đây không phải là bệnh và cũng không cần điều trị, sản phụ cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt; nhận được sự hỗ trợ của người thân, gia đình và bạn bè. Chị em cần tránh các loại thuốc gây nghiện, chất kích thích là những tác nhân khiến tâm trạng tồi tệ hơn.

* Hội chứng trầm cảm sau sinh

Các nghiên cứu sản khoa ghi nhận, khoảng 10% bà mẹ mới sinh gặp phải hội chứng trầm cảm sau sinh, thường phát triển sau 3 tuần và có thể kéo dài hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc thể hiện rõ nét và kéo dài nhất. Các triệu chứng chị em hay gặp như khóc, thiếu tự tin, thiếu tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, cảm giác buồn chán, thậm chí có ý nghĩ tự tử. Ngoài ra, các triệu chứng tương tự như trong bệnh suy chức năng tuyến giáp cũng hay gặp: nhạy cảm với không khí lạnh, suy nghĩ chậm chạp, mệt mỏi, da khô, táo bón…

Những sản phụ có các triệu chứng của hội chứng trầm cảm sau sinh thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, có thể sử dụng các thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ, thường khỏi bệnh trong 6 tháng. Những trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh có nguy cơ tái phát, kéo dài, có thể trở thành hội chứng loạn thần sau sinh.

* Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh

Rối loạn tâm thần sau sinh thường gặp 1-2 trường hợp trên 1.000 phụ nữ. Hội chứng này dễ gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Hầu hết các trường hợp bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo.

Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh có thể xuất hiện sớm với các dấu hiệu như kích động, lú lẫn, có vấn đề về trí nhớ, hay lo lắng, cáu kỉnh và mất ngủ. Các triệu chứng muộn hơn của hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi bất thường và xa lánh mọi người, đặc biệt là không quan tâm hoặc gây tổn thương cho chính bản thân và đứa trẻ.

Để phòng tránh, giảm thiểu tình trạng trầm cảm sau sinh, các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ khuyến cáo:

– Chế độ ăn uống: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng vì đây là giai đoạn cho con bú. Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp sản phụ hồi phục nhanh chóng để có cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng tốt: hạnh nhân, cá, quả bơ, chuối, táo, dừa, cải bó xôi, đậu nành, lúa mì, bánh mì, chocolate đen…

– Tập thể dục: Vận động có tác dụng rất tốt giúp sản phụ nâng cao tinh thần và cải thiện cảm xúc. Chị em hãy dành thời gian mỗi ngày để đi bộ, tập yoga, thiền hoặc tập một vài bài tập phù hợp.

– Nghỉ ngơi đầy đủ: Nhiều mẹ thường tranh thủ con ngủ để làm việc nhà hoặc hoàn thành công việc. Điều này không tốt vì sản phụ không thể ngủ được khi trẻ đang thức. Các bà mẹ được khuyên là hãy sinh hoạt theo giờ giấc của con mình, cố gắng ngủ khi con đang ngủ.

– Thư giãn: Sản phụ hãy dành thời gian cho chính mình để làm những điều yêu thích, xua tan mọi suy nghĩ và thả lỏng cơ thể giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, chị em nên chơi đùa với con để tăng sự gắn bó.

– Sự hỗ trợ từ người thân: Sự chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tinh thần từ gia đình rất quan trọng để sản phụ không bị trầm cảm. Đặc biệt vai trò quan trọng nhất là của người chồng, giúp bà mẹ mới sinh yên tâm và tự tin hơn trong vai trò mới. Sản phụ cố gắng cởi mở, trò chuyện nhiều hơn với chồng, gia đình hoặc ai đó biết lắng nghe về những cảm xúc mà mình đang có.

– Suy nghĩ tích cực: Đó là liều thuốc quan trọng cho những vấn đề mà chị em gặp phải giúp ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm sau sinh. Mỗi chị em cần chủ động trang bị những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh con, tham gia các khóa học tiền sản sẽ hữu ích cho quá trình mang thai và nuôi con nhỏ.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …