AN NHIÊN (Theo Guardian, SciTechDaily)
Theo một phát hiện mới đăng trên Tạp chí Gut, việc mắc một số vấn đề đường ruột nhất định – bao gồm táo bón, khó nuốt, liệt dạ dày và hội chứng ruột kích thích (IBS) – có thể là dấu hiệu cảnh báo khởi phát Hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson).
Kiểm soát các vấn đề về đường tiêu hóa có thể giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh Parkinson. Ảnh: BBC
Nguồn gốc của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), đột quỵ và chứng phình động mạch não đã được biết là có liên quan đến sức khỏe đường tiêu hóa. Tuy đã có bằng chứng cho thấy bệnh Parkinson cũng có thể bắt nguồn từ ruột, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về mối quan hệ của bệnh này với các rối loạn tiêu hóa cụ thể.
Ðể tìm hiểu về mối liên hệ đó, các chuyên gia đã điều nghiên dữ liệu từ mạng lưới hồ sơ sức khỏe điện tử của Mỹ (TriNetX) để so sánh hồ sơ sức khỏe của 24.624 người mắc bệnh Parkinson không rõ nguyên nhân với các nhóm mắc bệnh thần kinh khác Alzheimer (19.046 người), bệnh mạch máu não (23.942 người) và nhóm đối chứng gồm 24.624 người khỏe mạnh. Trong đó, bệnh nhân Parkinson được gom thành các nhóm có cùng độ tuổi, giới tính và chủng tộc cũng như thời gian chẩn đoán để so sánh tần suất mắc các bệnh về đường tiêu hóa trong thời gian 6 năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Ngoài ra, các chuyên gia cũng so sánh hồ sơ sức khỏe của tất cả người tham gia trong vòng 5 năm để đối chiếu tỷ lệ phát triển bệnh Parkinson hoặc các rối loạn thần kinh khác giữa các nhóm không mắc và mắc bất kỳ bệnh nào trong số 18 bệnh đường ruột khác nhau.
Cả hai kết quả so sánh đều cho thấy những người có vấn đề về sức khỏe đường ruột có nguy cơ phát triển bệnh Parkinson cao hơn bình thường. Cụ thể, những người bị táo bón, khó nuốt và liệt dạ dày (tình trạng khiến thức ăn mất nhiều thời gian hơn để di chuyển từ dạ dày vào ruột non) có nguy cơ phát triển bệnh Parkinson cao hơn gấp đôi trong 5 năm trước khi nhận được chẩn đoán chính thức. Riêng những người mắc IBS không kèm theo tiêu chảy có nguy cơ mắc Parkinson cao hơn 17%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn ghi nhận một số rối loạn tiêu hóa khác – bao gồm chứng khó tiêu chức năng (cảm giác nóng rát hoặc đầy bụng mà không có nguyên nhân rõ ràng), IBS kèm theo tiêu chảy và tiêu chảy cộng với đại tiện không tự chủ – cũng từng xuất hiện phổ biến ở những người mắc bệnh Parkinson. Các chuyên gia nhắc lại rằng các vấn đề về tiêu hóa cũng thường xuất hiện trước khi bệnh nhân Alzheimer, người bị phình động mạch hoặc đột quỵ được chẩn đoán chính thức.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy bệnh viêm ruột không làm tăng khả năng phát triển bệnh Parkinson và những người đã cắt bỏ ruột thừa cũng ít có khả năng mắc bệnh này.
Các chuyên gia cho biết nghiên cứu mới không xác lập mối quan hệ nhân-quả giữa các bệnh đường tiêu hóa với bệnh Parkinson, song những phát hiện mới cho thấy mọi người cần lưu ý nhiều hơn các vấn đề ở đường ruột để có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, qua đó góp phần phòng tránh nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.