Cẩm nang sơ cứu mắt khi đi du lịch

Rate this post

(CTO) – Một số tai nạn về mắt có thể xảy ra trong quá trình đi du lịch như khi đi tắm biển bị cát rơi vào mắt, đi trong rừng bị cành cây va đập vào mắt hay côn trùng chui vào mắt khi chạy xe vào ban đêm. Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ, những trường hợp trên, nếu không xử lý đúng cách và kịp thời, tổn thương ở mắt tưởng chừng đơn giản có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như xước rách kết – giác mạc, nhiễm trùng mắt và ảnh hưởng đến thị lực lâu dài. Vì thế, các bác sĩ nhãn khoa của BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ chia sẻ bí kíp giúp bảo vệ và sơ cứu mắt để mùa du lịch trọn vẹn hơn.

Bỏ túi bí kíp bảo vệ mắt của bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ để có một mùa hè trọn vẹn. Ảnh do BV cung cấp.

Bỏ túi bí kíp bảo vệ mắt của bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ để có một mùa hè trọn vẹn. Ảnh do BV cung cấp.

* Nguyên tắc 4 nên:

– Chớp mắt thật nhanh và liên tục: Phản xạ chớp mắt chính là cách tốt để làm sạch mắt. Chớp mắt liên tục sẽ kích thích nước mắt chảy nhiều để rửa trôi dị vật ra ngoài hoặc ra vị trí dễ lấy; từ đó có thể dùng tăm bông hoặc khăn sạch thấm nhẹ lấy dị vật ra ngoài.

– Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới: Rửa tay sạch, sau đó dùng tay kéo nhẹ phần da ngoài mí mắt trên xuống sao cho trùm lên mí mắt dưới; tiếp theo, đảo tròng mắt để dị vật vướng vào bờ mi và dễ rơi ra ngoài.

– Dùng gạc hoặc khăn sạch: Làm ẩm một miếng gạc hoặc miếng vải nhỏ bằng cotton với nước sạch, sau đó nhẹ nhàng chấm lên mắt để lấy côn trùng mắt kẹt trong mắt. Lưu ý không chà hoặc tạo quá nhiều lực lên giác mô của mắt, vì đây là khu vực rất nhạy cảm, có thể bị đau nếu chạm vào.

– Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo: Nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo giúp quá trình đẩy côn trùng ra ngoài được nhanh chóng khi việc chớp mắt không hiệu quả. Nếu không có nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo thì có thể rửa mắt bằng nước sạch: Ngâm và chớp mắt trong một bát nước sạch, mát hoặc dùng vòi xả nhẹ nước lên mắt để loại bỏ dị vật.

Tuy nhiên, người bị nạn cần đi cấp cứu ngay nếu gặp các trường hợp nguy cấp như: Va đập tổn thương mạnh ở mắt khiến mắt không thể mở được; mắt mờ đột ngột, chảy nước mắt liên tục; chảy máu mắt; đau nhức hốc mắt…

* Nguyên tắc 4 không:

– Không dụi mắt: day dụi mắt mạnh có thể gây tróc biểu mô giác mạc, rách võng mạc, nhiễm trùng mắt.

– Không thổi vào mắt: Một thói quen của nhiều người thường là nhờ người khác thổi. Điều này vô cùng nguy hiểm vì trong nước bọt của người thổi có chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại, có thể xâm nhập qua đường thổi và gây viêm nhiễm mắt.

– Không tự ý nhỏ thuốc nhỏ mắt có kháng sinh.

– Không đắp mắt bằng các loại lá cây theo dân gian.

Bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ khuyến cáo thêm: “Đi du lịch, nhất là vào rừng có nguy cơ chấn thương, nhiễm trùng do bị côn trùng cắn, dị ứng phấn hoa, chấn thương do cây ngã. Để phòng tránh, nên chuẩn bị một số thuốc chống muỗi, sên, vắt, côn trùng dạng bôi và uống; thuốc chống dị ứng (một số lá hoa và quả gây ngứa mạnh); các thuốc, vật dụng sơ cứu ban đầu thông dụng để xử lý các vết trầy xước. Riêng với mắt, dự phòng tốt nhất là đeo kính bảo hộ chuyên dụng và một lọ nước muối sinh lý để xử lý ban đầu các dị vật vào mắt.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …