Cần Thơ ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên

Rate this post

Tính đến ngày 29-10-2023, theo thống kê của ngành y tế, khu vực phía Nam ghi nhận 57 ca đậu mùa khỉ (ÐMK). Trong đó, TP Hồ Chí Minh 47 ca, Bình Dương 2 ca, Ðồng Nai 1 ca, Lâm Ðồng 2 ca, Long An 3 ca, Tây Ninh 1 ca và Cần Thơ 1 ca. Ngành Y tế cảnh báo, các địa phương cần đề cao cảnh giác, theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh để xử trí kịp thời.

Dịch nốt phỏng – triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa: Internet

Ca ÐMK tại TP Cần Thơ ghi nhận ở huyện Phong Ðiền, bệnh nhân sinh năm 2001. Theo khai thác bệnh sử, ngày 27-10-2023, bệnh nhân do bị mụn mủ nổi nhiều ở mặt, cánh tay, bàn tay, ngực, lưng, hậu môn, bắp chân nên đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh ÐMK. Bệnh viện đã thông báo cho Trung tâm Kiểm soát TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ). Sau khi nhận được thông tin, CDC Cần Thơ đã tiến hành điều tra dịch tễ và lập danh sách những người tiếp xúc với bệnh nhân. Ðồng thời hướng dẫn vệ sinh, khử khuẩn nơi ở, nơi bệnh nhân đến khám bệnh và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Bệnh nhân được điều trị, cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền. Ðến nay, bệnh nhân đã xuất viện.

Theo Quyết định số 2099/QÐ-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ÐMK ở người. Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:

– Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

– Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

– Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày.

– Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh ÐMK có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo đối với người tiếp xúc bệnh nhân bị ÐMK: Khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch,… cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Người chăm sóc người bệnh phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ, áo…; cần rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác. Người tiếp xúc gần phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối (nên đo nhiệt độ 2 lần/ngày).

Khu vực nhà ở, nơi làm việc/học tập của người bệnh phải được khử khuẩn bằng cách lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính. Thực hiện thông khí, thông thoáng nhà ở, sử dụng quạt, hạn chế dùng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.

Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm ÐMK bao gồm: Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh; tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus ÐMK, chẳng hạn như khăn trải giường, quần áo người bệnh; cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật bị nhiễm bệnh; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh; thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm để có biện pháp xử trí phù hợp.

Phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine: Sử dụng vaccine để phòng bệnh ÐMK cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Vaccine sửa đổi Ankara (vaccine đậu mùa, đậu mùa khỉ), là vaccine sống, giảm độc lực, được FDA công nhận năm 2019, tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh ÐMK rộng rãi, chỉ tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao.

Phân tuyến điều trị, với tuyến y tế cơ sở: Các trường hợp tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày. Ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Bệnh viện điều trị ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai); ca bệnh có biến chứng nặng. Tại TP Cần Thơ, Bệnh viện Ða khoa thành phố, Bệnh viện Da liễu chịu trách nhiệm hướng dẫn, hội chẩn và tiếp nhận bệnh nặng.

H.HOA

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Mẹ bị Alzheimer, con có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo phát hiện mới của Tạp chí JAMA Neurology, mẹ mắc Alzheimer có nguy cơ …