Cảnh báo gia tăng bệnh tay chân miệng

Rate this post
Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ ghi nhận số ca mắc tay chân miệng gia tăng gần đây. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh quan tâm phòng bệnh cho con trẻ khi mùa hè bắt đầu; đồng thời, đưa trẻ đến thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa nhi khi có dấu hiệu nghi ngờ để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

BS Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ, thăm khám cho bệnh nhi.

BS Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ, thăm khám cho bệnh nhi.

Theo số liệu tổng hợp lượng bệnh đến khám tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ từ đầu năm 2023 đến nay, lượng bệnh tay chân miệng khám ngoại trú và nhập viện đều tăng cao so với trước. Trong đó, có một trường hợp tử vong. Thông tin từ nhiều cơ sở khám chữa bệnh trẻ em trong cả nước, bệnh tay chân miệng đang gia tăng thời điểm đầu mùa hè. Bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên, những trường hợp biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Theo các bác sĩ, việc phát hiện bệnh sớm chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc điều trị được thuận lợi, hạn chế những rủi ro.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ. Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh tay chân miệng là tình trạng loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn, uống. Đây là lý do trẻ không chịu ăn, bú và thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, có những trẻ bị sốt cao trên 390C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng nghiêm trọng cần nhập viện điều trị. Bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.

BS Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, trẻ có thể tái mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần. Đó là do trẻ sau khi bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng thì ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên theo thời gian, kháng thể không đủ để bảo vệ trẻ khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài ra, ngoài hai chủng virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là EV71 và Coxsackie A16, còn có hơn 10 chủng thuộc nhóm virus đường ruột (Enterovirus) có thể gây bệnh tay chân miệng cho trẻ. Đây là lý do trẻ có thể bị mắc tay chân miệng nhiều lần.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có sốt cao và nôn dễ dẫn đến nhiều biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện trong khoảng ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Những biến chứng nguy hiểm khác của tay chân miệng là viêm não – viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Hầu hết những trẻ mắc tay chân miệng mức độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Bác sĩ tư vấn, phụ huynh cần cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm. Trẻ xác định đã mắc bệnh tay chân miệng phải được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát để ngăn lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Trong gia đình có nhiều trẻ, cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách tùy theo hoàn cảnh gia đình như gởi trẻ lành tạm thời ở một nơi khác; khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh; cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bệnh trong sinh hoạt thường nhật. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho trẻ. Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch bằng xà phòng để hạn chế lây lan bệnh. Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau khỏe. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày giúp ngăn tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng. Vật dụng cá nhân ăn uống, đồ chơi của trẻ nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

Hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị. Việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng tại nhà cho trẻ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau: Sốt cao liên tục 390C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm); yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; nôn ói nhiều; quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …