Cảnh giác với bệnh thủy đậu đang gia tăng

Rate this post

Bài, ảnh: H.HOA

Theo số liệu của Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến ngày 21-8-2023, BV ghi nhận 734 ca mắc thủy đậu điều trị ngoại trú, tăng 251% ca so với cùng kỳ 2022. Nội trú 31 ca, tăng 94% so với cùng kỳ 2022. Ðây là số ca mắc thủy đậu ghi nhận từ Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ÐBSCL. Riêng TP Cần Thơ, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, ghi nhận 21 ca thủy đậu.

Tiêm ngừa là giải pháp chủ động phòng bệnh thủy đậu.

10% người bị thủy đậu có nguy cơ mắc Zona

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Virus có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi mắc thủy đậu, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với các đối tượng khác) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Theo BS Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm nhưng lại có tính miễn nhiễm rất cao. Ðiều này đồng nghĩa với việc sau khi khỏi bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch suốt đời. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 10% người bệnh đã từng nhiễm thủy đậu trước đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh Zona (bệnh giời leo) sau này.

Những quan niệm sai lầm về bệnh

Có nhiều người cho rằng, khi trẻ bị thủy đậu cần kiêng tắm, ra gió, kiêng ăn thức ăn tanh như trứng, tôm, cá, thịt vịt, thịt gà… sẽ khiến trẻ ngứa và lâu khỏi. Với những quan niệm này, BS Trương Cẩm Trinh cho biết: Khi trẻ mắc thủy đậu, nhiều cha mẹ cho rằng phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm rửa cho trẻ. Ðây là quan niệm sai lầm. Trẻ mắc thủy đậu sẽ khó chịu, ngứa da, không tắm càng khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt thủy đậu, dễ nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, gây biến chứng nguy hiểm. Cần tắm nhanh cho con bằng nước ấm. Không áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem khắt khe, sẽ khiến trẻ không có sức đề kháng, bệnh sẽ lâu khỏi. Chính lúc này, trẻ cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Khi trẻ mắc thủy đậu, nhiều cha mẹ cho rằng phải tắm lá cây mới nhanh khỏi. Tuy nhiên, da trẻ rất mỏng, nên rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng. Các loại lá nếu không được rửa sạch hoặc có thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho da của trẻ.

Với bệnh thủy đậu, nốt phỏng nước nổi càng ít càng tốt. Khi sức đề kháng của trẻ yếu thì trẻ mới bị nổi nốt phỏng nhiều. Nhiều cha mẹ thường bôi xanh methylen lên tất cả các nốt phỏng khi trẻ mắc thủy đậu, để không có sẹo và lành da nhanh. Ðiều này hoàn toàn không nên, vì khi nốt phỏng chưa vỡ, bôi xanh methylen là không cần thiết. Chỉ dùng một ít xanh methylen vào các nốt đã vỡ, để làm se nốt, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn và sát trùng.

Ðể chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 – 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …