AN NHIÊN (Theo CNN, WIRED)
Trong báo cáo đầu tiên về tác động toàn cầu của bệnh tăng huyết áp – còn gọi là cao huyết áp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định đây là căn bệnh gây tử vong và tàn tật nhiều nhất thế giới hiện nay. Dựa trên dữ liệu mới công bố, tổ chức này khuyến cáo chính phủ các nước cần chú trọng kiểm soát bệnh tăng huyết áp, còn người dân thì phải tích cực tầm soát, phòng ngừa và điều trị bệnh.
Trong y khoa, cao huyết áp là tình trạng áp lực máu trong thành động mạch khi tim bơm máu cao quá mức bình thường. Chỉ số huyết áp được hiển thị qua 2 con số, theo đó, số đo 120/80 mmHg được coi là lý tưởng đối với sức khỏe, còn từ 140/90 mmHg trở lên thì được xác định là cao huyết áp, tình trạng có thể làm tổn thương động mạch và giảm lượng ôxy đến tim. Nếu không được điều trị, bệnh cao huyết áp về lâu dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim, suy tim, tổn thương thận…
Báo cáo công bố hôm 19-9 của WHO cho thấy cứ 3 người trưởng thành trên toàn cầu thì có 1 người bị tăng huyết áp. Điều đó có nghĩa số người mắc bệnh này đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990 và hiện lên tới 1,3 tỉ người. Đáng chú ý, nếu như cao huyết áp từng được xem là bệnh của các nước giàu, thì báo cáo mới cho thấy có đến 3/4 số bệnh nhân cao huyết áp hiện ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Gần một nửa trong số họ không biết mình mắc bệnh, với khoảng 80% trường hợp (cả những người đã được chẩn đoán và chưa được chẩn đoán) không được điều trị ở mức đủ để có thể kiểm soát bệnh trạng.
Thường xuyên theo dõi huyết áp là một cách giúp kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.
WHO cũng cho biết trong khi bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 7 triệu người trên toàn cầu, các bệnh không lây nhiễm lại khiến 41 triệu người tử vong mỗi năm. Và không như COVID-19, tăng huyết áp không phải là một căn bệnh mới lạ hay đột ngột xuất hiện, mà nó là một bệnh lý đã được tìm hiểu rõ, có thuốc điều trị và có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Theo WHO, Canada và Hàn Quốc là những quốc gia đạt thành tích tốt trong kiểm soát bệnh tăng huyết áp nhờ cung cấp các chương trình điều trị tăng huyết áp toàn diện trên toàn quốc. Cụ thể, cả hai nước đều đã giúp kiểm soát thành công tình trạng tăng huyết áp ở hơn 50% số người mắc bệnh này. Nếu tỷ lệ bệnh nhân cao huyết áp trên toàn cầu được điều trị hiệu quả giống như ở Canada và Hàn Quốc, WHO dự báo từ nay đến năm 2050, thế giới có thể ngăn chặn khoảng 76 triệu ca tử vong.
Trước tác động của tăng huyết áp trên toàn cầu, WHO thúc giục các quốc gia coi việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp như là một ưu tiên của chính phủ. Bên cạnh đó, cơ quan này khuyến nghị giới chức đưa ra các phác đồ thống nhất trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh cao huyết áp, với liều lượng sử dụng thích hợp. Ngoài ra, WHO cũng đề xuất tổ chức cho các nhân viên y tế tiếp cận cộng đồng để tăng tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh này. Cuối cùng, WHO có kế hoạch đề ra tiêu chuẩn để các nước mua các loại thuốc cần thiết, cũng như tạo ra hệ thống dữ liệu để theo dõi bệnh nhân và phương pháp điều trị hiệu quả.
WHO khẳng định rằng việc phòng, chống bệnh tăng huyết áp không chỉ mang tính nhân đạo mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính nói chung. Theo ước tính của cơ quan này, cứ chi ra 1 USD cho việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp sẽ tiết kiệm được 18 USD chi phí điều trị và thiệt hại kinh tế.