Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cho trẻ

Rate this post

(CTO) – Các bác sĩ chuyên khoa nhi – sơ sinh, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ khuyến cáo, gia đình có con nhỏ cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ trong dịp hè, khi mùa mưa bắt đầu.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ ghi nhận, gần đây, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng. Ảnh do BV cung cấp.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ ghi nhận, gần đây, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng. Ảnh do BV cung cấp.

BS CKI Thạch Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, từ tháng 5-2023 đến nay, lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng đến BV khám tăng. Nhiều trẻ sốt cao, ăn uống kém, nổi hồng ban ở tay, chân, ho, khò khè nhiều,… Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, nhiều trường hợp được chẩn đoán sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi,… Bệnh nhi ở nhiều lứa tuổi, từ nhũ nhi cho đến dưới 16 tuổi và mắc bệnh ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, phải can thiệp hỗ trợ hô hấp.

Trong số trẻ bệnh, nhiều trẻ béo phí mắc sốt xuất huyết, trẻ vài tháng tuổi mắc tay chân miệng hoặc trẻ viêm phổi nặng trên nền chậm phát triển tâm thần vận động. Trong đó, nhiều ca tay chân miệng nhiễm chủng EV71, là virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng ở thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim, nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi, nắng nóng, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi khiến các bệnh truyền nhiễm có cơ hội “tấn công” vào hệ miễn dịch non yếu của trẻ. Nhất là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, có nguy cơ cao mắc bệnh, dễ bị biến chứng, dẫn đến tình trạng bệnh chồng bệnh.

BS Ngọc Yến cho biết: “Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh diễn biến rất phức tạp, đôi lúc không điển hình. Do đó, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ nên quan sát, theo dõi sát những thay đổi bất thường. Trẻ cần được đưa đến BV khi có các dấu hiệu: Thay đổi về thân nhiệt, sốt cao liên tục, hạ thân nhiệt; thở bất thường, nhanh, co kéo, khò khè, cơn ngưng thở; một số triệu chứng liên quan đường tiêu hóa như: nôn ói, tiêu phân lỏng nhiều, bú kém, bụng chướng; triệu chứng thần kinh: co giật, mắt nhìn trần, cử động bất thường; triệu chứng da: niêm vàng da ở trẻ sơ sinh, da xanh tái, tím môi. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, đe dọa tính mạng của trẻ.

Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ chú trọng chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng trẻ: Bổ sung các nhóm chất tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Chú ý sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữ vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân, môi trường sống. Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách; tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao.

Từ ngày 12-6 cho đến hết năm 2023, BV Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức chương trình 1.000 suất thăm khám sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng miễn phi cho trẻ. Phụ huynh quan tâm, theo dõi trên trang Fanpage http://bvphusanct.com.vn/ hoặc gọi tổng đài BV 1900 8665 để biết thêm chi tiết.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …