AN NHIÊN (Theo Insider, Diabetes)
Các nhà khoa học Mỹ gần đây phát hiện cô đơn là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường, nguy hại hơn cả các yếu tố khác bất lợi cho sức khỏe như chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, ít vận động hoặc trầm cảm.
Cô đơn làm tăng nhiều rủi ro sức khỏe đối với bệnh nhân tiểu đường.
Cô đơn tuy là một yếu tố vô hình nhưng có khả năng làm khởi phát các rủi ro về sức khỏe. Một nghiên cứu từng phát hiện cô đơn có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm. Nghiên cứu khác vào năm 2020 cho thấy trạng thái cô lập với xã hội có thể làm tăng khoảng 50% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, trong khi các mối quan hệ xã hội kém làm tăng 29% nguy cơ mắc bệnh tim và 32% nguy cơ đột quỵ.
Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Tim châu Âu, các chuyên gia tại Ðại học Tulane (Mỹ) đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 18.500 bệnh nhân tiểu đường từ 37-73 tuổi, từ kho dữ liệu sức khỏe và di truyền Biobank của Anh. Dựa trên câu trả lời trong bảng câu hỏi, các bệnh nhân được đánh giá và phân loại có mức độ cô đơn từ 0-2. Không có người nào mắc bệnh tim lúc mới tham gia nghiên cứu, nhưng sau 10 năm theo dõi, có 3.247 người được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch.
Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ như chỉ số khối cơ thể (BMI), mức cholesterol, giới tính và tuổi tác, nhóm nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân tiểu đường có điểm số cô đơn cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 26% so với những người có điểm số cô đơn thấp nhất. Trong số các yếu tố nguy cơ được phân tích, các chuyên gia phát hiện cô đơn tuy không quan trọng bằng 3 yếu tố nguy cơ chủ chốt – gồm mức cholesterol, BMI và chức năng thận – trong việc phát triển bệnh tim mạch, nhưng nó là yếu tố nguy cơ lớn hơn chế độ ăn uống kém lành mạnh, hút thuốc, trầm cảm và ít hoạt động thể chất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng phát hiện các đối tượng nghiên cứu ít giao tiếp xã hội nhưng không cảm thấy cô đơn thì không phát triển các bất kỳ vấn đề về tim mạch nào. Phát hiện này đưa đến kết luận rằng chất lượng của các mối quan hệ xã hội quan trọng hơn mức độ tiếp xúc. “Chất lượng của các mối quan hệ xã hội dường như quan trọng đối với sức khỏe tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường hơn là số lần tương tác. Tôi khuyến khích những bệnh nhân tiểu đường đang cảm thấy cô đơn nên tham gia một nhóm hoạt động hoặc lớp học và cố gắng kết bạn với những người có cùng sở thích” – Tiến sĩ Lu Qi, thành viên nhóm nghiên cứu, đề nghị.
Theo các chuyên gia, những người mắc bệnh tiểu đường cũng cần được đánh giá mức độ cô đơn để kịp thời tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần khi cần thiết.
Thế giới sẽ có hơn 1,3 tỉ bệnh nhân tiểu đường vào năm 2050 Theo dự báo từ một nghiên cứu mới đăng trên hai tạp chí The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 529 triệu người năm 2021 lên hơn 1,3 tỉ người vào năm 2050. Ðáng chú ý, nghiên cứu này cho biết sẽ không có quốc gia nào có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong 30 năm tới. Và với dự đoán của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho rằng dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9,8 tỉ người vào năm 2050, điều đó đồng nghĩa cứ 7 hoặc 8 người thì sẽ có 1 người phải “sống chung” với bệnh tiểu đường. Tiểu đường tuýp 2 – dạng phổ biến nhất – vốn là căn bệnh có thể phòng ngừa và trong một số trường hợp, bệnh nhân có khả năng hồi phục nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Nhưng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu chủ yếu là do tình trạng béo phì gia tăng. Do đó, các chuyên gia cho rằng kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì – bằng cách áp dụng lối sống và dinh dưỡng lành mạnh – có thể góp phần kiềm chế tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai. |