HOÀNG ÐIỂU (Theo Guardian)
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, làm khoảng 10 triệu người chết mỗi năm, hoặc gần 1/6 số ca tử vong trên toàn cầu – theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tin vui là một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mới được phát triển có thể chẩn đoán ung thư hiệu quả hơn các phương pháp hiện hành và được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn nhất trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí eBioMedicine của The Lancet, công cụ AI mới – được thiết kế bởi các bác sĩ, nhà khoa học và nhà nghiên cứu tại quỹ Royal Marsden NHS, Viện Nghiên cứu ung thư và Ðại học Hoàng gia Luân Ðôn (Anh) – có thể xác định liệu các khối u bất thường trên ảnh chụp CT có phải là ung thư hay không. Nghiên cứu cho thấy thuật toán này thực hiện chẩn đoán hiệu quả hơn các phương pháp hiện có.
Trong nghiên cứu mang tên Libra, các chuyên gia đã sử dụng ảnh chụp CT của khoảng 500 bệnh nhân có khối u lớn ở phổi để phát triển thuật toán AI dựa trên phương pháp Radiomics – một kỹ thuật có thể trích xuất thông tin quan trọng từ các hình ảnh y tế mà mắt người không dễ nhìn thấy. Thuật toán AI sau đó được kiểm tra để xem có thể nhận diện đúng khối u ung thư hay không. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp gọi là diện tích dưới đường cong (AUC) để xem mức độ hiệu quả của mô hình này trong việc dự đoán ung thư. AUC bằng 1 chứng tỏ đó là một mô hình dự đoán hoàn hảo, còn 0,5 là mô hình dự đoán ngẫu nhiên.
Kết quả cho thấy thuật toán AI mới có thể xác định nguy cơ ung thư của từng khối u với điểm AUC là 0,87, cao hơn đáng kể so với Brock – một bài kiểm tra đang được sử dụng tại các phòng khám, với điểm AUC là 0,67. Thuật toán AI mới cũng nhỉnh hơn Herder – một bài kiểm tra khác – vốn có điểm AUC là 0,83. “Theo những kết quả ban đầu này, mô hình của chúng tôi dường như xác định chính xác các khối u phổi lớn gây ung thư” – Tiến sĩ Benjamin Hunter, chuyên gia ung thư lâm sàng tại quỹ Royal Marsden NHS, cho biết.
Thuật toán AI cũng có thể giúp các bác sĩ đưa ra quyết định nhanh hơn về những bệnh nhân có khối u phát triển bất thường hiện được coi là có nguy cơ trung bình. Khi kết hợp với Herder, thuật toán AI có thể xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao trong nhóm này. Theo nghiên cứu, nó đã đề xuất can thiệp sớm cho 18 trong số 22 (82%) khối u được xác nhận là ung thư.
Các chuyên gia nhấn mạnh nghiên cứu Libra vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng lợi ích tiềm năng của nó đã rõ ràng. Họ hy vọng công cụ AI cuối cùng sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ phát hiện ung thư và giúp bệnh nhân nhanh chóng theo đuổi quá trình điều trị. Tiến sĩ Richard Lee, trưởng nhóm nghiên cứu Libra, cho biết: “Thông qua công việc này, chúng tôi hy vọng sẽ vượt qua các ranh giới để tăng tốc độ phát hiện bệnh bằng các công nghệ tiên tiến như AI”. Theo ông, ung thư phổi là ví dụ điển hình cho thấy tại sao các sáng kiến mới nhằm tăng tốc độ phát hiện bệnh là rất cần thiết.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn nhất trên toàn thế giới và chiếm 1/5 (21%) số ca tử vong do ung thư ở Anh, song dữ liệu gần đây cho thấy hơn 60% bệnh ung thư phổi ở nước này được chẩn đoán ở giai đoạn 3 hoặc 4. Lee cho biết những người được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm nhất có khả năng sống sót qua 5 năm cao hơn so với những người được phát hiện muộn, do đó, ưu tiên hàng đầu của nhóm nghiên cứu là tìm cách tăng tốc độ phát hiện bệnh và có thể hỗ trợ các bác sĩ xác định sớm những bệnh nhân có nguy cơ cao.
“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng thuật toán AI mới sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và nâng cao khả năng điều trị ung thư thành công bằng cách tìm ra những người có nguy cơ cao và giúp họ can thiệp sớm hơn” – Tiến sĩ Hunter kết luận.