THU SƯƠNG
Tại các bệnh viện (BV) công lập ở TP Cần Thơ, đội ngũ điều dưỡng đối mặt với môi trường làm việc nhiều áp lực, bệnh nhân đông, công việc quá tải,… Vượt lên những khó khăn, các điều dưỡng luôn đồng hành cùng bệnh nhân, phối hợp với bác sĩ theo dõi điều trị, chăm sóc người bệnh. Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng còn thực hiện các đề tài nghiên cứu gắn liền thực tiễn, mong muốn từng bước cải thiện quy trình khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả.
Ðiều dưỡng BV Phụ sản TP Cần Thơ tập yoga cùng mẹ bầu. Ảnh Bệnh viện cung cấp.
Những năm qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ định kỳ tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên tại BV đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố chia sẻ những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu và kinh nghiệm chuyên môn quý báu. Hội nghị mới đây, nhiều công trình nghiên cứu của các điều dưỡng, bác sĩ liên quan đến hoạt động chuyên môn của điều dưỡng được các chuyên gia đánh giá cao.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, điều dưỡng được ví như trái tim trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, y tế. Nếu không có điều dưỡng thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ sụp đổ ngay lập tức. Sự khác biệt giữa bác sĩ và điều dưỡng chính là điều dưỡng quan tâm đến người bệnh, sức khỏe và phục hồi của bệnh nhân, còn bác sĩ tập trung vào bệnh tật, chữa trị bệnh. Qua hội nghị, nhiều đề tài xuất phát từ thực tiễn, cho thấy sự quan tâm của điều dưỡng, cải thiện, điều chỉnh từng chút một, mong muốn nâng cao hiệu quả chăm sóc, phục hồi cho bệnh nhân.
Nâng cao hiểu biết bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Cử nhân điều dưỡng (CNÐD) Nguyễn Thị Thúy Trâm, Ðiều dưỡng trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BV Ða khoa TP Cần Thơ thực hiện đề tài “Khảo sát kiến thức và thực hành tự chăm sóc của người bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính tại BV Ða khoa TP Cần Thơ”. Theo điều dưỡng Thúy Trâm, suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh lý khá phổ biến, liên quan mật thiết đến lối sống. Bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống cũng như tốn kém trong điều trị. Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả điều trị như sự hiểu biết, tuân thủ điều trị và thói quen sinh hoạt, ăn uống,… Vì thế, điều dưỡng tiến hành nghiên cứu đề tài, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả chăm sóc.
Ðề tài thực hiện từ tháng 4-2022 đến tháng 9-2022 với các bệnh nhân đến BV khám suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ða phần người bệnh có triệu chứng đau nhức, nặng chân, tê, vọp bẻ… Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận các dấu hiệu giãn tĩnh mạch, phù, loét, thay đổi màu sắc da… cùng với chẩn đoán qua siêu âm. Từ kết quả nghiên cứu, điều dưỡng kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về bệnh, các biến chứng, phương pháp điều trị và nhấn mạnh vai trò của việc người bệnh tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ. Bên cạnh thay đổi các yếu tố nguy cơ, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ, hạn chế cholesterol và muối. Khi làm việc, tránh đứng hay ngồi lâu một chỗ, không nên mang giày cao gót, thường xuyên tập thể dục. Ðiều dưỡng cũng cần tăng cường tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà nâng cao hiểu biết và thực hành tự chăm sóc đúng cách để cải thiện tình trạng bệnh.
Phòng ngừa sai sót thuốc
Ths.ÐD Huỳnh Thanh Phong, Ðiều dưỡng Trưởng BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện đề tài “Khảo sát yếu tố ảnh hưởng sai sót thuốc qua đánh giá điều dưỡng tại BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ”. Theo ÐD Thanh Phong, sử dụng thuốc chưa hợp lý, chưa hiệu quả làm tăng đáng kể chi phí cho người bệnh, tăng nguy cơ tương tác thuốc, thậm chí tử vong. Trong đó, điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện thuốc cho người bệnh. Mục tiêu của đề tài là khảo sát những yếu tố quan trọng ảnh hưởng sai sót thuốc nhằm giảm thiểu sai sót, nâng cao chất lượng dịch vụ điều dưỡng tại các khoa lâm sàng.
Nguyên tắc 5 đúng trong quy trình cung cấp thuốc cho người bệnh gồm: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian dùng thuốc. Nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho thấy, sự vô ý của điều dưỡng là yếu tố chính dẫn đến sai sót thuốc; nguyên nhân chính do sự quá tải và mệt mỏi trong công việc. Một điều dưỡng phải chăm sóc nhiều bệnh nhân với nhiều bệnh tật khác nhau, công việc liên tục bị gián đoạn (như truyền dịch, tiêm thuốc, truyền máu, rút máu, bơm sữa, thay băng,…) khiến điều dưỡng phân tâm, quên việc đang làm dẫn đến sai sót thuốc. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như điều dưỡng thiếu kinh nghiệm hoặc không được đào tạo đầy đủ, đúng chuyên ngành, trao đổi thông tin không rõ ràng giữa các cán bộ y tế (chữ viết xấu, kê đơn bằng miệng). Ðiều dưỡng còn phải làm các thủ tục hành chính, kiểm tra giấy tờ liên quan đến bảo hiểm y tế, nhập thuốc… Môi trường làm việc chưa thuận lợi, khoa phòng chật hẹp, thuốc sắp xếp lộn xộn. Bệnh phòng thường xuyên quá tải, phải kê thêm giường cũng tăng nguy cơ sai sót thuốc của điều dưỡng.
Theo tác giả đề tài, các giải pháp phòng ngừa sai sót khi dùng thuốc bao gồm giải pháp mang tính hệ thống với các đối tượng có liên quan như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, giám sát và quản lý sai sót. BV cần giảm các thủ tục hành chánh như hạn chế ghi chép sổ sách cũng như chuyển quản lý sổ sách qua hệ thống mạng và lưu dữ liệu trên hệ thống. Phòng Ðiều dưỡng cũng tổ chức được các lớp đào tạo lại, cung cấp tài liệu cho điều dưỡng mới bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, tập trung những yếu tố ảnh hưởng đến sai sót thuốc và được phân tích kỹ, đưa ra giải pháp tối ưu để hạn chế sai sót đến mức thấp nhất. Bên cạnh đó, phòng Ðiều dưỡng thường xuyên tham mưu Ban Giám đốc bổ sung nhân lực cho các khoa quá tải. Giảm tải các thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ vật tư trang thiết bị để điều dưỡng dành nhiều thời gian hơn cho chăm sóc người bệnh.
Ðiều dưỡng cùng tập yoga với mẹ bầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi phút trôi qua có một sản phụ qua đời. Các nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở sản phụ gồm: băng huyết, nhiễm trùng huyết, phá thai không an toàn, tăng huyết áp, chuyển dạ ngưng tiến triển,… Năm 2021, Bộ Y tế ban hành quyết định về kế hoạch hành động quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025. Theo Ths.BS Văn Thúy Cầm, Phó Trưởng khoa Sanh, BV Phụ sản TP Cần Thơ, để cải thiện sức khỏe bà mẹ, cần xác định và giải quyết các rào cản hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có chất lượng ở cả cấp độ hệ thống y tế và xã hội. Trước hết, trang bị, nâng cao kiến thức làm mẹ cho chính bà bầu, tăng cường giáo dục cả thể chất và tinh thần, giúp cả mẹ và con đều phát triển.
Ðầu năm 2023, BV Phụ sản TP Cần Thơ đưa vào chương trình thai giáo, có sự đồng hành của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh với thai phụ. Theo đề tài “Thai giáo và yoga bầu: Một hình thức truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe để tiếp cận đối tượng thai phụ” do BS Cầm thực hiện, thai giáo là nhu cầu của tất cả những phụ nữ khi mang thai, giúp tăng cường chăm sóc sức khỏe về thể chất, tinh thần và xã hội, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo đó, BV tăng cường huấn luyện cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh các kiến thức về thai giáo và yoga; liên tục tổ chức các lớp hướng dẫn thai giáo và yoga để lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho mẹ bầu. Các hình thức thai giáo gồm thai giáo âm nhạc, dinh dưỡng, vận động, cảm xúc, ngôn ngữ, tri thức, ý niệm,… Yoga là hình thức vận động được nhân viên y tế và bà bầu lựa chọn nhiều nhất. Kết quả nghiên cứu trên 2.000 thai phụ cho thấy, yoga giúp giảm lo lắng, trầm cảm, căng thẳng nhận thức và thời gian chuyển dạ, tăng tỷ lệ sinh ngả âm đạo bình thường và khả năng chịu đau… 12 buổi tập yoga trở lên cho đến khi sinh diễn ra hàng tuần/hai tuần một lần có tác động đáng kể đối với phương thức sinh và căng thẳng nhận thức.