Hút thuốc lá gây u phổi

Rate this post

THU SƯƠNG

BS CKI Quách Quốc Dương, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ chia sẻ, mỗi khi thực hiện một ca mổ cắt u phổi cho bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, bác sĩ cảm thấy xót xa, vì sự thiếu hiểu biết của người bệnh với thói quen độc hại. Không chỉ người hút thuốc bị bệnh, người thân và người xung quanh hút thuốc lá thụ động cũng gánh chịu nhiều nguy cơ bệnh tật nặng nề.

BS CKI Quách Quốc Dương, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BV cung cấp.

Theo BS Dương, có rất nhiều nghiên cứu chứng minh, 90% nam giới bị ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá. Tỷ lệ ung thư phổi gia tăng tỷ lệ thuận theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 – 40 lần so với người không hút. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 22.000 trường hợp tử vong vì ung thư phổi, con số đáng báo động. Thậm chí số người tử vong do thuốc lá cao gấp 3 lần so với người chết vì HIV và tai nạn giao thông.

Mặc dù thuốc lá có nhiều tác hại đối với sức khỏe nhưng các thống kê hiện nay cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các tầng lớp lao động phổ thông, vùng nông thôn, vùng sâu, nhất là lực lượng lao động trẻ tuổi. Hiện có rất nhiều loại thuốc lá được bán trong cộng đồng như: thuốc lá truyền thống, thuốc lá nhẹ điếu dài, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lào. Giới trẻ có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử. Chính vì thế, ung thư phổi cũng ngày càng trẻ hóa độ tuổi. Ngoài căn bệnh nan y, hút thuốc lá còn gây nhiều bệnh khác, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ hóa phổi, viêm mủ, giãn phế quản… Nhiều bệnh nhân hút thuốc lá lâu năm bị xơ vữa mạch máu phải cắt cụt chi, cắt ngón do hoại tử.

Riêng bệnh u phổi, đa số phát hiện tình cờ, vì bệnh thường không có triệu chứng, khi có dấu hiệu thì đã nặng. Trong tháng 6-2023, Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện nhiều ca cắt u phổi mà hầu hết người bệnh có tiền sử hút thuốc lá. Nam bệnh nhân T.M.T (55 tuổi, ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) tái khám định kỳ theo dõi bệnh ung thư ở một BV khác trên địa bàn TP Cần Thơ, tình cờ phát hiện khối u thùy trên phổi phải. Người bệnh được giới thiệu đến BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị. Qua thăm khám và kết quả các cận lâm sàng, bác sĩ chỉ định cắt thùy trên phổi phải cho bệnh nhân vào ngày 2-6-2023. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và đã được xuất viện. Còn ông T.H.P (50 tuổi, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) vào BV khám vì đau lói ngực trái và ho nhiều. Sau khi thăm khám lâm sàng và kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực có cản quang, phát hiện một khối u to chiếm gần hết thùy trên phổi trái. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt thùy phổi chứa khối u vào ngày 6-6-2023.

BS Quách Quốc Dương cho biết, theo kinh nghiệm điều trị hiện tại của các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực hiện nay cũng như Hội Phẫu thuật lồng ngực Việt Nam, với trường hợp u phổi, tùy vào bản chất của khối u, bác sĩ cắt thùy hoặc cắt phổi chứa u. Bệnh nhân bị cắt một phần thùy phổi thì chức năng hô hấp sau mổ không thay đổi nhiều. Trường hợp cắt một thùy hay toàn bộ một bên phổi thì chức năng hô hấp sẽ giảm nhiều so với trước mổ. Những bệnh nhân này được hướng dẫn tập thở sớm, tập vật lý trị liệu hô hấp sớm để cải thiện hơn chức năng hô hấp.

Theo bác sĩ, những triệu chứng thường gặp của người bị u phổi gồm: khó thở nhẹ, ngực đau tức; ho khan, đôi khi ho ra máu; khàn tiếng; sốt, mệt mỏi, cân nặng sụt giảm,… Trường hợp u phổi không phát hiện hay phát hiện trễ, không được điều trị hay theo dõi rất nguy hiểm. Nếu lành tính, khối u có thể to ra. Nếu ác tính, khối u có thể sẽ di căn, chuyển sang độ nặng hơn, khó can thiệp hơn.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng hút thuốc lá chủ yếu do sự thiếu hiểu biết đầy đủ về tác hại khôn lường cũng như thiếu các biện pháp truyền thông sâu rộng và hiệu quả trong cộng đồng. Bác sĩ khuyến cáo: Mọi người hãy tránh xa khói thuốc lá; không hút thuốc chủ động, thụ động; có lối sống lành mạnh; kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần đối với người trên 40 tuổi.

BS Quách Quốc Dương cho biết, Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, BV Đa khoa TP Cần Thơ được thành lập từ năm 2014, là một trong những đơn vị tiên phong về điều trị bệnh trong lĩnh vực bệnh lồng ngực và phẫu thuật tim mạch. Thời gian qua, khoa tạo điều kiện để các bác sĩ đi đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, được cập nhật kiến thức liên tục từ các bác sĩ đến từ Pháp, BV Chợ Rẫy, Hiệp hội lồng ngực và Hiệp hội mạch máu Việt Nam,… Hằng năm, khoa phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân bệnh phổi. Khoa còn thực hiện các phẫu thuật khác như lõm ngực bẩm sinh, tăng tiết mồ hôi tay, chấn thương và vết thương ngực, vết thương tim, u trung thất, bệnh nhược cơ, phẫu thuật phình và vỡ phình động mạch chủ bụng, vết thương mạch máu chi, can thiệp mạch ngoại vi trong tắc mạch mạn tính, suy tĩnh mạch nông hai chi dưới, nối thông động tĩnh mạch trong chạy thận nhân tạo…

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …