Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Nhiều người bệnh đái tháo đường rất thích ăn bánh trung thu, thơm ngon, béo ngọt. Tuy nhiên, ăn ít chẳng đỡ thèm, ăn nhiều thì hại sức khỏe. Chưa kể, nên chọn bánh trung thu có thương hiệu hay bánh “nhà làm”, bánh dành cho người ăn kiêng,… là những cân nhắc của nhiều người khi mùa trung thu đến, trong đó có những người mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác.
Bác sĩ khuyên, người bệnh đái tháo đường nên thưởng thức bánh trung thu từng phần nhỏ.
Từ tháng 6 âm lịch, thị trường bánh trung thu đã khởi động. Hiện còn hơn nửa tháng nữa mới tới Tết trung thu, nhưng trên các tuyến đường nội ô trên địa bàn TP Cần Thơ đã có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh với đa dạng chủng loại của các thương hiệu nổi tiếng, cùng với các loại bánh “handmade”, “bánh nhà làm, ngon như nhà làm”. Ngoài ra, trên nền tảng thương mại điện tử, “cơn bão” giảm giá bánh trung thu cũng thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Bác Ba (61 tuổi, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) rất thích ăn bánh trung thu. Bác cho biết, vốn hảo ngọt, thích ăn chè và các loại bánh. Mỗi năm một mùa, bác đều không bỏ lỡ món bánh trung thu yêu thích. Nhưng gần đây, bác phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ khuyến cáo phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, quan trọng hơn cả việc uống thuốc, trong đó cân nhắc hàm lượng đường đưa vào cơ thể mỗi ngày. Mùa trung thu này, bác Ba không còn được thoải mái tận hưởng món khoái khẩu nữa, nên rất buồn.
Các chuyên gia dinh dưỡng ước tính, một cái bánh trung thu truyền thống 200 gram, nhân hạt sen và 2 lòng đỏ trứng, chứa khoảng 800kcal, tương đương 4 bát cơm, 15 muỗng cà phê đường và 9 muỗng cà phê dầu mỡ. Một người ăn cái bánh trung thu, để tiêu thụ được năng lượng nạp vào, cần đi bộ hơn 100 phút hoặc chạy khoảng 40 phút hoặc đạp xe đạp trong một giờ.
Với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên hạn chế ăn bánh trung thu, ăn có liều lượng. Thành phần chính của bánh là bột, đường, bơ, mỡ heo. Vỏ bánh và nhân bánh đều ướp nhiều đường, dầu mỡ nên tích trữ lượng chất béo và độ ngọt rất cao. Lòng đỏ trứng muối và các loại hạt trong nhân bánh cung cấp lượng cholesterol đáng kể. Hàm lượng muối cao trong bánh cũng có thể trở thành gánh nặng cho thận và hệ tim mạch. Kể cả khi sử dụng bánh trung thu không đường hoặc bánh dành cho người ăn kiêng, ăn quá nhiều cũng gây hại cho sức khỏe. Khi ăn bánh, nên cắt nhỏ bánh, ăn một phần, tốt hơn vào buổi sáng vì sau đó quá trình vận động sẽ tiêu hao năng lượng. Khi đã ăn bánh trung thu, nên giảm các loại thực phẩm nhiều năng lượng khác trong ngày như: cơm, bánh mì, bún, phở…
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm, nên loại bỏ mỡ để giảm năng lượng nạp vào cơ thể. Bên cạnh các lưu ý về thành phần dinh dưỡng và năng lượng trong bánh trung thu, các bác sĩ cũng lưu ý về sự nguy cơ tiềm ẩn sức khỏe của các nguyên liệu phụ gia, chất tạo màu, bảo quản,… nếu quy trình chế biến không đảm bảo theo quy định. Trong mùa trung thu, rộ trào lưu làm bánh handmade, nên khó kiểm soát về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều loại bánh trung thu cách điệu, sử dụng nguyên liệu tạo màu vẽ những hình thù đẹp mắt lên mặt bánh. Tuy nhiên, nếu dùng màu chất lượng kém sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, với các nguy cơ gây dị ứng, viêm mũi, ung thư tuyến giáp, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người mua bánh trung thu cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thông tin nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản và thời hạn sử dụng. Sản phẩm phải đảm bảo không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, liều lượng theo quy định. Mua bánh tại các cơ sở có đủ thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Nên cầm chiếc bánh quan sát sản phẩm không bị dập nát biến dạng, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và mùi khác lạ, bao bì không rách nát.