Thức uống sinh tố ngày càng trở thành một lựa chọn phổ biến cho những người đang tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng và ngon miệng để tiêu thụ các loại trái cây và rau củ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia ở Ðại học California, Davis (Mỹ) vừa phát hiện việc kết hợp các loại trái cây trong món sinh tố đóng vai trò quan trọng đối với khả năng cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức uống này.
Tuy chuối mang lại vị ngon ngọt cho món sinh tố, nhưng không thích hợp khi dùng chung với các loại quả mọng.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tập trung tìm hiểu xem polyphenol oxidase (PPO, một enzyme thường có trong các loại trái cây như chuối) tác động ra sao đến flavanol, một hoạt chất sinh học có trong nhiều loại trái cây và rau củ như táo, quả việt quất, quả mâm xôi, nho, lê và ca cao… Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng flavanol có lợi cho sức khỏe tim mạch và chức năng nhận thức, nên nó được coi là thành phần quan trọng trong một chế độ ăn uống lành mạnh.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã cho những người tham gia dùng 2 loại sinh tố khác nhau, gồm: một loại chứa thành phần PPO cao tự nhiên từ trái chuối và một loại làm từ các loại quả mọng hỗn hợp có hoạt tính PPO thấp. Sau đó, các đối tượng được lấy mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm và đánh giá mức độ hấp thụ flavanol sau khi uống sinh tố. Các chuyên gia phát hiện ra rằng những người tiêu thụ sinh tố chuối có mức độ hấp thụ flavanol thấp hơn 84% so với nhóm đối chứng uống sinh tố từ quả mọng.
Trước phát hiện mới trên, trưởng nhóm nghiên cứu Javier Ottaviani khuyên những người muốn bổ sung flavanol nên cân nhắc kết hợp các loại trái cây giàu flavanol với các loại rau quả có PPO, dù hàm lượng cao hay thấp. Ðược biết ngoài chuối, củ dền cũng chứa PPO cao, trong khi cam, dứa, xoài là những loại quả có PPO thấp.
ĐINH NHI (Theo Earth.com, SciTechDaily)