Mẹ bị đái tháo đường hạnh phúc đón con chào đời khỏe mạnh sau 2 lần thai lưu

Rate this post

(CT) – Ngày 19-9-2023, chị K.A, có tiền sử 2 lần thai lưu, bị đái tháo đường, đã chia sẻ hành trình mang thai và chào đón bé trai khỏe mạnh tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu. Chị mong rằng, từ chia sẻ của mình, giúp cho các bà mẹ bị đái tháo đường (ÐTÐ) nặng có kinh nghiệm, động lực chào đón bé con khỏe mạnh.

Khát khao làm mẹ đã hái về quả ngọt. Ảnh: gia đình cung cấp.

Chị K.A chia sẻ: 2 lần mang thai, lần đầu ở tuần 36 và lần thứ 2 ở tuần 34, đều bị thai lưu. Bản thân chị bị bệnh ÐTÐ nặng, phải tiêm insulin mỗi ngày; dù rất tuân thủ tiêm thuốc, khám thai đầy đủ tại các cơ sở y tế chuyên khoa Sản – Nhi.

Giai đoạn đó, chị K.A rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Sau thai lưu, chị lại bị một cơn viêm tụy cấp, nguy kịch đến tính mạng do tăng triglycerid quá cao sau thai lưu. Rất may mắn chị đã vượt qua do được điều trị kịp thời.

Khi biết được thông tin về Trung tâm Nội tiết của Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, nơi từng theo dõi, điều trị thành công cho nhiều mẹ bầu bệnh lý ÐTÐ thai kỳ, chị nhen nhóm hy vọng. Lần mang thai thứ 3, chị và gia đình đặt trọn niềm tin vào Phương Châu.

TS. BS. Trần Thị Trúc Linh và BS. CKI. Nguyễn Văn Sử cùng ekip bác sĩ Phương Châu đã có cuộc hội chẩn liên khoa Sản – Nội – Nhi. Các bác sĩ đã đưa ra kế hoạch điều trị, theo dõi khoa học để giải quyết hai vấn đề lớn nhất: kiểm soát được bệnh ÐTÐ của thai phụ và theo dõi, nuôi dưỡng thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Vào tuần thai thứ 28, khi siêu âm tim thai cho con, bác sĩ phát hiện cơ tim con phì đại. Ðây là một biến chứng thường gặp trên thai phụ có ÐTÐ điều trị bằng insulin liều cao. Các bác sĩ Sản và Nội tiết phối hợp để kiểm soát được đường huyết mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tim thai của con.

Bé được 9 tháng tuổi. Ảnh: gia đình cung cấp.

TS. BS. Trần Thị Trúc Linh chia sẻ: “Ngoài điều trị, bác sĩ còn phải thực hành tâm lý liệu pháp vì thai phụ đã từng trải qua những khó khăn trong quá khứ nên tâm lý khi mang thai rất lo lắng. Tuổi thai càng lớn thì sản phụ càng lo. Chính vì thế, ngay từ những tuần đầu tiên, sản phụ và người nhà được hướng dẫn theo dõi chỉ số đường huyết liên tục với sự đồng hành của bác sĩ điều trị. Ðồng thời hướng dẫn cách tự theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường tiến triển của một thai kỳ bệnh lý”.

Hiện tại, mỗi lần nhìn thấy con trai nằm ngủ, chị K.A lại nhớ về giây phút can đảm để đi đến quyết định cho con chào đời sớm. Chị cho biết: “Càng ở tuần thai càng lớn, chị lại ám ảnh, nhất là khi gần đến tuần thứ 34. Chị biết là con ra đời sớm khi quá non tháng sẽ rất vất vả. Nhưng chị biết Phương Châu đã từng nuôi dưỡng nhiều bé sinh cực non thành công nên chị hoàn toàn tin tưởng và an tâm khi có quyết định này”.

Êkip bác sĩ Sản, Nội tiết, Sơ sinh, Gây mê hồi sức khi đó đã hội chẩn và chuẩn bị các tình huống chuyên môn trước khi mổ bắt bé. Một hành trình dài mang thai đầy thử thách khép lại với tiếng khóc chào đời của bé trai.

Sau khi sinh, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tình trạng của mẹ tránh rơi vào cơn viêm tụy cấp và kiểm soát đường huyết. Riêng với anh chàng “hoàng tử” bé, được hỗ trợ hồi sức, cho tập bú mẹ. Ðến nay, bé đã được 9 tháng tuổi, nhờ sữa mẹ đầy đủ mà bé bụ bẫm, ít bệnh vặt.

H.H

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Mẹ bị Alzheimer, con có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo phát hiện mới của Tạp chí JAMA Neurology, mẹ mắc Alzheimer có nguy cơ …