Bài, ảnh: H.HOA
Vừa qua, việc ký kết hợp tác giữa y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã ghi nhận cột mốc mới cho phát triển y tế vùng. Ngoài hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật như trước đây, y tế TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển y tế chuyên sâu, nâng chất y tế cơ sở.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các Sở Y tế 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Hợp tác và phát triển
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sự chủ động triển khai hợp tác, phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL là một đột phá về mặt tư duy chiến lược, đổi mới trong mô hình liên kết vùng phát triển ngành y tế. Đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong ngành cũng như mong đợi chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương. Y tế Cà Mau đánh giá cao kết quả hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của y tế TP Hồ Chí Minh với Cà Mau trong thời gian qua. Đến nay, ngành y tế Cà Mau từ một địa phương xa trung tâm đã được chuyển giao thực hiện các kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại như can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật nội soi, nhi khoa, sản khoa…
Ở các tỉnh, thành ĐBSCL đang khó khăn trong việc phát triển y tế chuyên sâu, giữ chân nhân lực y tế có chuyên môn cao, thiếu trang thiết bị y tế, chuyển đổi số… Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền, khó khăn nhất hiện nay của tỉnh là phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện khoảng 80% kỹ thuật tuyến tỉnh, còn tuyến trung ương chỉ đạt 3-5%. Có nhiều kỹ thuật, tỉnh phải mất 10-15 năm mới triển khai được như: tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim, phẫu thuật nội soi nâng cao hoặc là thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật điều trị ung thư, xạ trị,… đến nay tỉnh vẫn chưa triển khai. Do đó, nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu là một nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới nhằm nâng cao việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải tuyến trên và tiết kiệm chi phí cho người dân; đồng thời nâng cao năng lực hệ thống y tế tỉnh.
Theo thống kê, có khoảng 5-10% người dân An Giang hằng năm khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Điều này làm cho hệ thống Y tế TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải, nên dư địa để tập trung phát triển kỹ thuật cao tiên tiến ngang tầm khu vực và quốc tế chậm lại do phải lo chăm sóc sức khỏe cho người dân TP Hồ Chí Minh; đồng thời, lo cho 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành ĐBSCL (ước tính khoảng 33 triệu người, chiếm khoảng 35% dân số cả nước).
Việc chuyển giao kỹ thuật, hợp tác giữa y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã thực hiện nhiều năm. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hợp tác lần này sẽ chặt chẽ và mạnh mẽ hơn ở 2 cấp độ. Cấp độ 1 đang làm thời gian qua, các bệnh viện tuyến cuối thì hợp tác với các bệnh viện tỉnh, thành; Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thì hợp tác với nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh; các sở y tế thì cũng hợp tác với nhau. Cấp độ 2 là cấp độ mới, phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu. Mạng lưới y tế chuyên sâu nghĩa là từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở. Mở rộng y tế chuyên sâu từ TP Hồ Chí Minh ra quy mô vùng ĐBSCL. Sắp tới, không chỉ một vài bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh mà có bệnh viện tuyến cuối đặt tại TP Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang… Nếu chúng ta làm tốt thì người dân sẽ không phải đi rất xa lên tận TP Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh”.
Nội dung hợp tác giữa ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL bao gồm: chuyển giao kỹ thuật, hình thành mạng lưới các chuyên khoa, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác phát triển mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng ĐBSCL, xác định bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng ĐBSCL tham gia triển khai các kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên khoa, đảm bảo tránh trùng lắp giữa các địa phương có vị trí địa lý gần nhau, gây lãng phí, vừa đảm bảo sự tiếp cận của người dân được thuận lợi hơn, kịp thời hơn, góp phần cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh đối với các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, đột quỵ, tim mạch, sản khoa, nhi khoa, cấp cứu ngoài bệnh viện.
Hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư vùng ĐBSCL
Theo Globocan 2020, số ca mắc mới ung thư hằng năm ở Việt Nam là 182.563 ca, tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) so với 2018. Số ca tử vong hằng năm: 122.690, tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với 2018. Trong khi cơ sở điều trị quá tải.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm, số lượt khám và số bệnh nhập viện gia tăng từ 8-10%, bệnh viện quá tải. Trong đó hơn 80% bệnh nhân đến từ ngoài TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đến từ 13 tỉnh, thành ĐBSCL 173.766 lượt (chiếm 38%). Tại khu vực ĐBSCL, hiện chỉ có 2 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 9 khoa ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, 2 đơn vị ung bướu thuộc khoa lâm sàng trong bệnh viện đa khoa. Và đã xuất hiện quá tải ở một số khoa, bệnh viện ung bướu tỉnh như Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Mạng lưới ung thư của vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn như: đầu tư chưa đồng bộ, xây dựng cơ bản, trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị ung thư rất đắt tiền, cần nhiều thời gian; tuyển dụng và đào tạo nhân sự gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, việc hình thành mạng lưới ung thư cho vùng ĐBSCL là rất cần thiết. Bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho ĐBSCL về đào tạo nguồn nhân lực cho chẩn đoán, điều trị ung thư; tư vấn mua sắm trang thiết bị; hội chẩn chuyên gia trực tiếp hoặc qua telemedicine; hỗ trợ – chuyển giao kỹ thuật về đọc và phân tích kết quả cận lâm sàng, giải phẩu bệnh, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử… và hỗ trợ điều trị ca khó…
Về phía các tỉnh, thành ĐBCSL, theo ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, hiện có 30% ung thư có thể phòng ngừa được. Vì thế phòng ngừa ung thư, các bệnh viện liên kết CDC tuyên truyền phổ biến thông tin. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực nhân sự và kỹ thuật sẵn có. Đầu tư trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị ung thư rất đắt tiền và cần nhiều thời gian, trong khi ngân sách các tỉnh, thành đang khó khăn thì việc liên kết vùng để tối ưu hóa nguồn lực trong chẩn đoán và điều trị.
Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, sau đại dịch COVID-19, ngành y tế các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất; xử lý rác thải y tế; nhiều nhân viên y tế nghỉ việc; khó khăn trong tính toán giá dịch vụ y tế, chuyển đổi số, phát triển y tế cơ sở… Vì vậy, giải pháp để giải quyết khó khăn là hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, mới. Lễ ký kết đặt những bước chân đầu tiên để nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng ĐBSCL. Sở Y tế TP Cần Thơ đã chuẩn bị các nội dung hợp tác toàn diện với TP Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống y tế từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu, cũng như chuyển đổi số và bác sĩ gia đình. Sắp tới, đoàn Y tế Cần Thơ, khoảng 150 người học tập kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh.