Ngồi lâu hại sức khỏe thế nào?

Rate this post

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh ít vận động nổi lên như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và các bệnh do ngồi lâu hiện trở thành lĩnh vực nghiên cứu phổ biến trong giới khoa học.

Thường xuyên đứng dậy và vận động giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong sớm.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) năm 2022, việc nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu – cho dù có tập thể dục thường xuyên – làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và tử vong sớm. Cũng có bằng chứng cho thấy cơ thể ì vận động trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như chứng trầm cảm – theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Affective Disorders hồi tháng 1-2023. Trước đó, nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên Tạp chí Nutrition, Health and Aging cho thấy, thời gian tĩnh tại càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tử vong càng cao.

Nhiều nghiên cứu còn phát hiện rằng, bất kể mức độ hoạt động thể chất như thế nào, việc ngồi quá lâu đều dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, ít vận động cũng liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm, theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Preventive Medicine.

Tiến sĩ Emmanuel Stamatakis – Giáo sư về hoạt động thể chất, lối sống và sức khỏe dân số tại Ðại học Sydney (Úc) – cho biết sự tiến hóa và cấu trúc di truyền của con người cho thấy cơ thể chúng ta được tạo ra để chuyển động. Nên khi tĩnh tại quá lâu, cơ thể và tâm trí chúng ta dễ thoái hóa, già đi nhanh chóng, dẫn đến bệnh mãn tính và tử vong sớm.

Có một thông tin tích cực là mới đây, nghiên cứu đăng trên BMJ cho thấy vận động thể chất khoảng 22 phút mỗi ngày – với cường độ từ trung bình đến cao – có thể giúp những người ít vận động giảm nguy cơ tử vong sớm. Kết luận này được các chuyên gia đưa ra sau khi phân tích dữ liệu của 11.989 người tham gia từ 50 tuổi trở lên trên khắp Na Uy, Thụy Ðiển và Mỹ.

ÐINH NHI (Theo Everydayhealth.com, Healthline)

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …