Nguy cơ vỡ khối phình động mạch chủ bụng

Rate this post

THU SƯƠNG

Trong cuộc sống hằng ngày, cơ thể có thể xuất hiện những trường hợp đáng lưu ý, hệ động mạch dần xơ vữa, xuất hiện các mảng bám trong lòng gây tắc hẹp hoặc suy yếu thành mạch hình thành khối phình động mạch. Nguy hiểm nhất là khối phình động mạch chủ bụng, khi bị vỡ, người bệnh đối diện nguy cơ tử vong rất cao nhưng không hề biết bản thân mắc bệnh nếu không được tầm soát. Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ đã liên tiếp cứu sống nhiều trường hợp bị phình động mạch chủ bụng, nguy cơ đe dọa tính mạng.

BS Trương Đình Hưng thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh do BV cung cấp

Bà T.T.B (71 tuổi, ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) vừa mới xuất viện sau cơn thập tử nhất sinh do nguy cơ vỡ phình động mạch chủ bụng. Ngày 8-6-2023, bà đến BV Ða khoa TP Cần Thơ khám bệnh vì tình trạng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị và quanh rốn. Bà còn mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Qua thăm khám và kết quả siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối phình động mạch chủ bụng dưới thận, đường kính 45mm, dài 7cm, loét thành mạch máu. Các bác sĩ hội chẩn, chỉ định phẫu thuật thay đoạn phình động mạch chủ bụng bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Ca mổ thực hiện thành công, bệnh nhân xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định.

Giữa tháng 5-2023, nam bệnh nhân 62 tuổi ở huyện Thới Lai cũng nhập viện BV Ða khoa TP Cần Thơ với tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn, uống thuốc giảm đau không thuyên giảm. Qua thăm khám, siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối phình động mạch chủ bụng dưới thận với đường kính lớn nhất là 50mm, dài khoảng 19cm. Với bệnh nhân này, các bác sĩ đã hội chẩn, chỉ định phẫu thuật thay đoạn phình động mạch chủ bụng bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Quá trình mổ, phẫu thuật viên ghi nhận, bên trong túi phình có huyết khối cũ bám thành và mảng nhiễm trùng. Ca mổ thực hiện thành công, sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, đã được xuất viện.

Theo BS CKI Trương Ðình Hưng, khoa Ngoại Lồng ngực – mạch máu, BV Ða khoa TP Cần Thơ, động mạch chủ bụng cung cấp máu nuôi các tạng trong ổ bụng và nửa thân dưới. Phình động mạch chủ bụng đường kính tăng lên ít nhất 50% so với bình thường. Ở người Việt Nam, động mạch chủ bụng đường kính từ 30-35mm trở lên gọi là phình động mạch chủ. Mỗi năm ước tính có khoảng 200.000 người trên thế giới tử vong do vỡ phình động mạch chủ dưới thận.

Phình động mạch chủ bụng do nhiều nguyên nhân, trong đó, xơ vữa động mạch chiếm hơn 95% các trường hợp. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác, ít gặp hơn như thương tổn bẩm sinh, di truyền, nhiễm trùng hay chấn thương, sau phẫu thuật. Người trên 60 tuổi có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ bụng. Nam giới bị phình động mạch chủ bụng cao gấp 4 lần so với nữ. Bệnh cũng có yếu tố di truyền, với khoảng 20-29% người thân của bệnh nhân phình động mạch chủ bụng được phát hiện mắc bệnh này. Ngoài ra, các yếu tố về lối sống như hút thuốc lá, mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh loạn chuyển hóa đường, mỡ máu cũng có nguy cơ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hầu hết các chứng phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng. Trong các biến chứng, nguy hiểm nhất là túi phình động mạch chủ bụng bị vỡ. Nếu vỡ trong ổ bụng, bệnh nhân ngay lập tức đau bụng, đau lưng, tuột huyết áp, nhịp tim nhanh. Ða số bệnh nhân chết trước khi đến cơ sở y tế. Bệnh nhân còn sống khi đến BV tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Biến chứng khác là thuyên tắc mạch đầu xa do huyết khối hoặc chất xơ vữa bong ra và làm tắc động mạch thận, ruột và các chi dưới.

Hầu hết phình động mạch chủ bụng được chẩn đoán tình cờ khi khám lâm sàng hoặc khi siêu âm bụng. Các phương pháp chẩn đoán khác gồm chụp cắt lớp vi tính hay MRI. Trong điều trị, theo dõi điều trị nội khoa được áp dụng với các trường hợp túi phình hình thoi nhỏ, kích thước dưới 4cm, có bệnh nặng kèm theo, gặp những khó khăn về phẫu thuật hay bệnh nhân từ chối mổ. Còn đa phần các bệnh nhân có khối phình lớn, nguy cơ vỡ sẽ được phẫu thuật thay đoạn phình động mạch chủ bụng bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch để điều trị bệnh lý này, tuy nhiên, chi phí phải chi trả rất lớn.

Thời gian qua, Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu BV Ða khoa TP Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị và phẫu thuật thành công rất nhiều ca phình động mạch chủ bụng dưới thận. Nhiều trường hợp có khối phình to hoặc dọa vỡ, đã vỡ. Các bác sĩ chủ yếu thay đoạn phình động mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo cho bệnh nhân, đạt hiệu quả điều trị cao, mau hồi phục. BS CKII Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc BV cho biết, thời gian tới, BV tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ để phát triển các phẫu thuật điều trị các bệnh lý, trường hợp chấn thương, vết thương động mạch chủ. Ðồng thời, phối hợp với can thiệp nội mạch điều trị các bệnh lý động mạch chủ.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của bệnh phình động mạch chủ và các bệnh nhân phình động mạch chủ bụng nhưng chưa có chỉ định phẫu thuật hay can thiệp nên đi khám bệnh, theo dõi định kỳ để phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc can thiệp kịp thời, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ vỡ phình động mạch chủ.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …