H.HOA
TP Cần Thơ được Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá là điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngành Y tế thành phố triển khai hàng loạt hoạt động, mô hình mới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm HIV, giúp người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe…
Tư vấn điều trị PrEP tại Phòng khám Glink Cần Thơ. Ảnh: Glink cung cấp
Nhiều mô hình mới
Từ tháng 9-2019, Cần Thơ triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Từ 2 cơ sở điều trị, đến quý III-2022, đã tăng lên 16 cơ sở y tế tư nhân và công lập tham gia điều trị với 2.659 khách hàng sử dụng PrEP. PrEP được quảng bá trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube… Ngoài ra, tạo 2 trang web: tuxetnghiem.vn và prepngay.vn để tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, điều trị PrEP. Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), cho biết: Với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, thuốc điều trị PrEP miễn phí và được hỗ trợ xét nghiệm ban đầu trước điều trị. Qua thống kê, có 93% khách hàng được điều trị PrEP ngay trong ngày.
Ngoài PrEP, TP Cần Thơ cũng tiên phong triển khai Website (https://tuxetnghiem.vn) thí điểm phân phối bộ dụng cụ tự xét nghiệm bằng dịch miệng qua mạng. Trang web cung cấp các dịch vụ: cung cấp bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm, test tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng (Test Oral Quick); tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị PrEP; chuyển gửi điều trị ARV… Khách hàng có nhu cầu, vào trang web thao tác theo hướng dẫn để xác định nguy cơ nhiễm HIV và đăng ký nhận test xét nghiệm. Khách hàng nhận test xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Theo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Cần Thơ), từ khi khai trương đến ngày 21-9-2022 đã thực hiện 1.767 đơn hàng, trong đó có 1.572 đơn hàng thành công. Trung bình 80 đơn hàng/tháng. Qua tự xét nghiệm, có gần 94% khách hàng gởi kết quả về hệ thống. Trong đó 4,8% có phản ứng. Nếu kết quả có phản ứng, khách hàng sẽ được tư vấn làm xét nghiệm khẳng định. Nếu kết quả khẳng định dương tính, khách hàng sẽ được tư vấn, kết nối chuyển điều trị ARV. Trong các ca có kết quả khẳng định với HIV thì có 83% tham gia điều trị ARV. Khách hàng có kết quả âm tính, tiếp tục được tư vấn dự phòng HIV, điều trị PrEP. Qua tư vấn, có 11% khách hàng tham gia điều trị PrEP.
Nhờ triển khai hàng loạt các mô hình mới về dự phòng, điều trị đã góp phần đưa TP Cần Thơ trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Đối tượng nhiễm chủ yếu là MSM
Theo CDC Cần Thơ, trong năm 2022, phát hiện thêm 621 người nhiễm HIV có địa chỉ tại TP Cần Thơ. Số người nhiễm HIV phát hiện hằng năm chủ yếu là nam giới (hơn 90%), tuổi ngày càng trẻ hóa tập trung 16-35. Ðặc biệt có dấu hiệu tăng ở nhóm 16-25.
Qua giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM vẫn là nhóm có tỷ lệ hiện nhiễm cao nhất, tăng đều qua các năm. Ths Dáp Thanh Giang, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ, cho biết: Dịch HIV tại TP Cần Thơ gia tăng trong 5 năm gần đây. Số người nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu tập trung ở các quận và có sự gia tăng ở các quận, huyện (Ninh Kiều, Cái Răng, Cờ Ðỏ, Phong Ðiền, Thới Lai).
Trong năm 2023, bên cạnh việc duy trì các hoạt động như trước, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS thực hiện chuỗi can thiệp toàn diện gồm tiếp cận, truyền thông giảm nguy cơ, cung cấp vật dụng dự phòng, tăng cường xét nghiệm HIV, chuyển gửi điều trị ARV và PrEP, tư vấn hỗ trợ duy trì điều trị ARV/PrEP trong nhóm MSM, nhóm nguy cơ cao khác và bạn tình của họ; ban hành quy trình chuyển gửi điều trị tại các bệnh viện; tập huấn, xét nghiệm, tư vấn cho tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, chú trọng đối tượng MSM trẻ. Ngành Y tế phối hợp Ðoàn thanh niên triển khai can thiệp trong lực lượng đoàn viên, thanh niên trẻ, đặc biệt từ 15-24 tuổi; phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo triển khai truyền thông trong hệ thống trường THPT; phối hợp các trường đại học, cao đẳng triển khai can thiệp trong nhóm sinh viên; phối hợp liên đoàn lao động, Ban quản lý các khu chế xuất công nghiệp triển khai can thiệp trong công nhân…
CDC Cần Thơ triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm MSM, bắt đầu từ tháng 5-2023, bao gồm: xét nghiệm HIV tại cộng đồng, kết nối chuyển gửi người có kết quả dương tính vào điều trị ARV, người âm tính điều trị PrEP và hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng đầu.