(CT) – Bệnh đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không nhận biết dấu hiệu bệnh, làm chậm trễ cơ hội được cứu sống và hồi phục trong thời gian vàng. Ngoài ra, còn do hiểu lầm của cộng đồng, ngộ nhận đột quỵ là “trúng gió” nên xử trí sai cách, khiến bệnh thêm trầm trọng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không làm những điều sau đây khi nghi ngờ bị đột quỵ: Không cạo gió, vắt chanh vào miệng bệnh nhân, có thể gây tắc nghẽn đường thở. Không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì, vì nguy cơ dẫn đến tình trạng hít sặc, gây viêm phổi hít. Không cúng bái, cắt lễ, chích máu ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể bệnh nhân, làm lãng phí thời gian cũng như có thể khiến bệnh nhân nặng hơn do mất máu.
Khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, người thân nhanh chóng gọi cấp cứu đến cơ sở y tế có chuyên khoa điều trị đột quỵ tại địa phương hay tỉnh, thành gần nhất. Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến, gia đình có thể sơ cứu tại nhà cho bệnh nhân theo hướng dẫn của nhân viên y tế, nhất là kiểm tra đường thở người bệnh, để cho thông thoáng. Nếu người bệnh ở nông thôn xa, xe cấp cứu không đến được tận nhà, cần để bệnh nhân được nằm cố định, tránh rung lắc mạnh, làm nặng thêm vùng não bị tổn thương. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV.
Trên địa bàn TP Cần Thơ, một số địa chỉ tiếp nhận, điều trị hiệu quả bệnh lý đột quỵ gồm: BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, BV SIS Cần Thơ, BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Các BV đều đã triển khai quy trình cấp cứu khẩn cho bệnh nhân đột quỵ. Vì thế, khi có vấn đề cần cấp cứu, gia đình gọi đến tổng đài BV để được hỗ trợ kịp thời.
PV