Những thói quen tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe

Rate this post
Bài, ảnh: M. THƠ

Phụ nữ làm đẹp là nhu cầu vô cùng chính đáng. Tuy nhiên, nhiều quý cô có thói quen làm đẹp tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe nhưng không hề hay biết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chị em phải điều chỉnh lại những thói quen gây hại để vừa đẹp, vừa khỏe.

Sấy nóng sơn gel móng tay

Sơn móng tay, thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Sơn móng tay, thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Mười bữa, nửa tháng, Ngọc Ánh (27 tuổi, ở quận Bình Thủy) lại đi làm móng (nail). Ánh làm nhân viên tiếp thị ở một showroom ô tô, rất chăm chút ngoại hình, từ làn da, mái tóc đến những bộ móng. Cô thích sơn gel móng tay, với nhiều họa tiết, hoa văn, trông bàn tay trắng mịn trở nên nổi bật hơn. Tuy nhiên, quá trình sơn gel rất kỳ công, sơn phết nhiều lớp. Ánh kể: “Muốn đẹp phải chịu khó, nhưng tôi sợ nhất là công đoạn sấy nóng sau khi phủ gel sơn. Có lần thợ nail để nhiệt độ cao quá, tay tôi có cảm giác bị phỏng”.

Theo các thợ làm nail, việc sấy nóng móng tay bằng máy sấy chứa tia cực tím (UV) thông dụng giúp lớp gel bám chắc hơn, bền hơn trên bề mặt móng. Khi khách hàng muốn thay đổi lớp sơn, chị em cũng phải ra tiệm, để thợ sử dụng loại hóa chất chuyên dụng mới tẩy được lớp gel sơn đó chứ nước tẩy móng thông thường không rửa sạch.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, chiếu tia cực tím lên móng tay mà không có biện pháp bảo vệ bàn tay và làn da xung quanh móng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ung thư da, sạm da hoặc viêm da. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, bức xạ tia cực tím từ máy sấy sơn móng tay có thể làm tổn thương ADN, dẫn đến đột biến, gây ung thư.

Chưa kể, nhiều loại sơn chứa chất cấm gây hại cho sức khỏe, kể cả chì, thủy ngân. Một số chất có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và khả năng sinh sản, gây ung thư, viêm niêm mạc.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa tác hại từ thói quen làm đẹp của chị em, bác sĩ gợi ý phương pháp bảo vệ da phù hợp. Đó là trước khi làm móng, cần thoa kem chống nắng, đeo bao tay sẫm màu che phủ cả bàn tay, chỉ để lộ phần móng cần sơn. Bác sĩ cũng khuyên nên giãn cách các lần sơn móng, không nên thực hiện quá thường xuyên. Người đang điều trị bệnh, sử dụng thuốc hoặc hóa chất có thể khiến da nhạy cảm hơn với tia cực tím, cần cân nhắc khi làm đẹp.

Uống viên chống nắng, chống nám

Biển vẫy gọi các chị em khi mùa hè đến. Tuy nhiên, nhiều chị em lo ngại bị sạm da, rám nắng trong những ngày đi biển, nên tìm cách chống nắng để được vui chơi thỏa thích. Gần đây, rầm rộ trên nền tảng mạng xã hội và cả những lời truyền tai mách bảo, về liệu pháp uống thuốc chống nắng, chống sạm da. Các sản phẩm được quảng cáo như “thần dược” bảo vệ làn da với đủ loại, nguồn gốc, xuất xứ và giá thành từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhiều chị em lầm tin vào quảng cáo công dụng như thần dược của các sản phẩm viên uống chống nắng và kết quả thường không như mong đợi, nếu không kết hợp thoa kem chống nắng. Nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng nám da, sạm da nặng thêm do không bảo vệ làn da đúng cách dưới mặt trời mùa hè gay gắt. Ngoài ra, việc điều trị nám cần phác đồ phù hợp với từng người, dựa trên mức độ nám khác nhau.

Trong các thành phần của viên uống chống nắng, có những chất có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia cực tím nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với chỉ số SPF15. Một số sản phẩm có thêm vitamin C, có tác dụng làm trắng da tạm thời. Tuy nhiên, với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, có thể chứa thành phần gây hại cho da nói riêng, sức khỏe nói chung.

Theo bác sĩ da liễu, để bảo vệ hiệu quả làn da trong mùa hè cũng như điều trị các bệnh da sạm, nám, chị em cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tư vấn và điều trị hiệu quả.

Vắt chéo chân tổn thương cột sống

Thật ra, không riêng phụ nữ mà cả đàn ông cũng có thói quen hay ngồi vắt chéo chân vì sự thoải mái. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp cho rằng, tư thế ngồi này khiến cơ thể mất cân bằng, về lâu dài, gây tác hại cho xương sống và nhiều thành phần khác liên quan. Khi ngồi vắt chéo, chân một bên đặt lên trên chân còn lại, khiến chậu hông mất cân bằng, cột sống lệch sang bên đối diện. Lâu dần, cột sống, lưng, cổ, hông, gối bên bị chịu lực nhiều sẽ đau. Ngoài ra, tĩnh mạch hồi lưu của cẳng chân lên tim kém hơn, làm nặng thêm tình trạng suy van tĩnh mạch.

Với những tác hại đó, bác sĩ khuyến cáo, tư thế ngồi tốt nhất chính là hai chân đặt song song trên mặt đất, cổ thẳng, để lực phân bố đầy đủ từ cổ, lưng, xuống chậu hông. Không có điểm nào chịu nhiều lực hơn, toàn bộ cơ thể phát triển cân đối.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …