Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Máy siêu âm bị hư đã lâu, không sử dụng được; công ty dược yêu cầu trung tâm y tế thanh toán nợ mua thuốc trong giai đoạn dịch COVID-19. Khoảng 7-8 người ở mỗi trạm y tế vừa khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch và hàng loạt chương trình y tế cộng đồng, nhưng thu nhập vỏn vẹn 5-6 triệu đồng/tháng, … Đó là những khó khăn, thách thức của hệ thống y tế cơ sở được ghi nhận trong đợt khảo sát vào tháng 8-2023 do Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP Cần Thơ thực hiện.
Y tế cơ sở rất quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Hưng khám bệnh cho bệnh nhi.
TP Cần Thơ vừa tổng kết Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Trong 20 năm qua, thành phố đã từng bước củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở. Hiện hệ thống y tế tuyến quận, huyện có 3 bệnh viện đa khoa và 9 trung tâm y tế với gần 1.000 giường bệnh. Tuyến xã, phường có 80 trạm y tế đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm có bác sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh trung học và cán bộ y học cổ truyền. Từ nhiều nguồn đầu tư, cơ sở vật chất mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được nâng cấp, xây mới. Y tế cơ sở cũng tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên.
Tuy nhiên, hiện hệ thống y tế cơ sở thành phố còn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong tháng 8-2023, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn đi khảo sát hệ thống y tế cơ sở ở các quận Bình Thủy, Thốt Nốt và các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ. Theo bà Đinh Thị Minh Thư, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, đoàn đại biểu mong muốn lắng nghe những vướng mắc của y tế cơ sở để đánh giá đúng thực trạng y tế cơ sở, kịp thời tìm các giải pháp tháo gỡ cho mạng lưới này. Đến Trạm Y tế xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cán bộ nơi đây than khó rất nhiều. Máy siêu âm, điện tim của trạm được đầu tư hơn 10 năm qua, hiện đã hư, dự trù chi phí sửa chữa lớn, trạm không kham nổi. Nhưng nếu máy siêu âm được sửa xong, cán bộ y tế của trạm cũng không thực hiện siêu âm cho người bệnh được, vì vướng quy định bác sĩ phải cập nhật năng lực siêu âm theo quy định mới, với chi phí khóa học gần 20 triệu đồng. Về nhân lực, trạm có 8 nhân viên, luân phiên làm công tác chuyên môn và kiêm luôn phần việc tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh của trạm. Kinh phí hoạt động ít ỏi, nhưng mỗi tháng trạm còn tiêu tốn một số tiền để trả cho công ty thu gom, vận chuyển rác thải y tế…
Còn Trạm Y tế xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) thu hút đông bệnh nhân, từ 40-60 lượt khám/ngày. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Trung Hưng cho biết, 99% người bệnh khám bằng bảo hiểm y tế. Chính vì thế, trạm cũng đang gặp khó, do quy định bảo hiểm y tế khoán định mức chi cho y tế cơ sở, gồm cả tuyến xã. Trạm y tế cũng gặp khó khăn do nguồn kinh phí cho hoạt động chuyên môn và các chương trình y tế dự phòng, phòng, chống dịch đều bị cắt giảm. Một vấn đề khác, các trạm y tế đều gặp phải là vướng mắc trong quá trình số hóa. Các trạm chưa được cấp máy đọc thẻ căn cước công dân có gắn chíp. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử và hồ sơ sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình chưa đồng bộ cũng gây khó cho cán bộ y tế…
Trung tâm Y tế quận, huyện cũng gặp khó riêng. BS Trần Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, cho biết: “Lo lắng lớn nhất của trung tâm là sắp tới thời điểm trung tâm thực hiện lộ trình tự chủ tài chính. Trung tâm mong các cấp giải quyết nới thời gian từ từ, cho trung tâm vượt qua khó khăn, đứng vững rồi mới tự chủ được”. Theo BS Thành, sau khi thực hiện cơ chế sáp nhập các đơn vị y tế tuyến huyện, hiện Trung tâm đảm đương nhiều chức năng: vừa khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, y tế cơ sở, trong khi chỉ có lĩnh vực khám chữa bệnh là có nguồn thu. Trong khi đó, Trung tâm chưa phát triển được nhiều dịch vụ kỹ thuật nên không thu hút được bệnh nhân. Hơn 2 năm qua, đơn vị lại bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những tồn dư còn dai dẳng đến nay. Cùng với chủ trương tinh giản biên chế, Trung tâm phải cân đối từ nguồn thu hạn hẹp để chi trả thù lao cho viên chức hợp đồng…
Nỗi khổ khác của Trung tâm Y tế huyện là nợ tiền thuốc các công ty dược. Chia sẻ với đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội, cán bộ dược Trung tâm Y tế huyện Phong Điền không cầm được nước mắt, kể: “Nửa đêm các công ty dược gọi điện, nhắn tin, nói những lời rất khó nghe, buộc Trung tâm phải thanh toán nợ. Họ không thương lượng, cũng không cung ứng thuốc thời gian tới nếu Trung tâm không trả tiền…”. Khó khăn này do vướng thủ tục thanh toán trong đợt dịch COVID-19. Nhiều khó khăn khác của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền như cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng; nhân lực được đào tạo xong lại nghỉ việc đi nơi khác,…
Theo bà Đinh Thị Minh Thư, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, trên cơ sở thực tế khảo sát, đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Sở Y tế và các sở ngành có thẩm quyền, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho ngành y tế thời gian tới. Đầu tư cho y tế cơ sở chính là đầu tư cho sức khỏe của cộng đồng hiệu quả nhất, do đó y tế cần sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị.